ERP khởi sắc trở lại

Nhiều chuyên gia đã lo lắng rằng tình hình kinh tế khó khăn cùng với những tác động từ chính sách giảm chi tiêu công, hạn chế nhập siêu sẽ khiến thị trường giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) bị sụt giảm. Trái với nỗi lo ấy, nửa đầu năm nay, thị trường đã chứng kiến một số thương vụ ERP được tiến hành.

Các nhà triển khai ERP nhận định năm 2011 có lẽ sẽ không là khoảng thời gian quá xấu đối với lĩnh vực này, khi mà trong sáu tháng đầu năm đã có nhiều hợp đồng được ký kết, chủ yếu là việc triển khai ERP ở ngành tài chính-ngân hàng, dược phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng. Các chuyên gia cho rằng đây cũng là điều tất yếu, bởi sau khi đối mặt với khủng hoảng, doanh nghiệp buộc phải rà soát quy trình để tối ưu hóa các nguồn lực, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và họ nhận ra rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là một giải pháp hữu hiệu.

Thêm nhiều hợp đồng mới

Nếu làm một cuộc thống kê sơ bộ nửa đầu 2011, những cái tên nhà triển khai đạt được hợp đồng nhiều nhất phải kể đến Công ty cổ phần Hệ thống thông tin FPT (FPT IS), Công ty cổ phần Tư vấn Quản trị Doanh nghiệp Tinh Vân (Tinhvan Consulting) và Công ty Giải pháp Phần mềm Phúc Hưng Thịnh (SS4U).

Mới đây, FPT IS đã triển khai hệ thống quản trị nguồn lực cho tập đoàn Tân Đại Thành và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank). Trong đó, hợp đồng với Ficombank được đánh giá là một hợp đồng khá lớn khi nhà triển khai gần như phải xây dựng hạ tầng CNTT cho ngân hàng lại từ đầu, bao gồm hệ thống chuyển mạch, cơ sở dữ liệu, hệ thống phần mềm và giải pháp ngân hàng, ngân hàng lõi (core banking), hệ thống dữ liệu dự phòng, VoIP, ảo hóa và quản lý nguồn lực. Ficombank cho rằng đây là bước đệm giúp từng bước đổi mới toàn bộ hoạt động của mình và trở thành ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp.

Còn Tinhvan Consulting cũng không kém cạnh khi ký kết được hợp đồng cung cấp giải pháp phần mềm quản lý tổng thể nguồn nhân lực HiStaff cho Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và HabuBank.Trong khi đó, SS4U cũng triển khai giải pháp ERP cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm là Agimexpharm và thủy sản là Anvifish.

Ông Nguyễn Tuấn Hùng, Phó tổng giám đốc FPT IS, tỏ ra lạc quan khi nhận định rằng, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục theo đuổi kế hoạch triển khai ERP vì hơn ai hết họ hiểu được rằng đây là giải pháp giúp họ cải thiện dần các quy trình hoạt động và giúp hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn.

Thị trường ERP cũng đang chào đón nhiều gương mặt mới, bao gồm cả các nhà triển khai mới gia nhập hoặc quay trở lại thị trường như Gimasys, Vietsourcing, WorldSoft, HPT, CMC và Tectura Việt Nam. Mới đây, các doanh nghiệp chuyên về gia công phần mềm như Fujinet và Global CyberSoft cũng bước vào thị trường này.

Khai thác phân khúc SMEs

Fujinet đã tham gia thị trường từ cuối năm ngoái bằng việc tung ra sản phẩm ERP FujiCocktail của Nhật Bản dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) ở Việt Nam. Ông Nguyễn Đăng Phong, Tổng giám đốc của Fujinet, nhận định quy mô thị trường ERP của Việt Nam tương đối nhỏ so với thế giới, việc triển khai ERP hầu như chỉ tập trung vào những công ty lớn của từng ngành hàng, từng lĩnh vực. Trong khi đó, ERP cũng rất cần cho mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cùng quan điểm kể trên, ông Nguyễn Văn Khương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phần mềm Effect, cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn có nhu cầu triển khai từng quy trình (module) trong hệ thống ERP, khi họ chưa đủ sức cho một hợp đồng ERP tổng thể.

Hiện nay trên thị trường, phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như bị bỏ ngỏ và chưa được quan tâm đúng mức bởi các nhà cung cấp phần mềm và nhà triển khai gặp khó khăn do khách hàng đòi hỏi giải pháp ERP chi phí rẻ mà thời gian triển khai phải nhanh và thuận tiện. Từ vấn đề này, nhiều nhà cung cấp giải pháp đã bắt đầu nhận thấy đây là phân khúc khách hàng khá lớn vì tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm gần 90% tổng số lượng doanh nghiệp trong cả nước.

Ông Khương của Effect cho biết ngoài việc cung cấp giải pháp ERP một cách tổng thể, tùy chỉnh (customize) theo quy trình thì thời gian tới công ty sẽ chuẩn hóa tất cả 11 module đang có trở thành các gói sản phẩm riêng biệt để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ về quản lý nhân sự, quản lý trang thiết bị…

Về phía Fujinet, giải pháp Fuji Cocktail ERP được thiết kế cho doanh nghiệp khách hàng có thu nhập hằng năm dưới 100 triệu đô la Mỹ. Để giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, Fujinet áp dụng cách tính phí bản quyền theo số lượng người sử dụng hiện thời (current users) thay vì theo số người sử dụng định danh (named users).

Trong khi đó, Oracle cũng đang để mắt đến phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 4 năm nay, Giám đốc phụ trách chiến lược quản lý sản phẩm quốc tế của Oracle, ông John Hansen, nói rằng hãng đã đưa phần mềm ERP vào Việt Nam và phát triển theo hướng nội địa hóa. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có hơn 100 doanh nghiệp triển khai và đưa vào ứng dụng, chủ yếu là những doanh nghiệp lớn có tiềm lực về tài chính và nhân sự như Vinamilk, Đồng Tâm và Thép Việt.

Để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể ứng dụng ERP với chi phí hợp lý, Oracle đã tung ra thị trường giải pháp triển khai nhanh Oracle Business Accelerate (OBA) cho ngành sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng.