Hành trình tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa đã có những bằng chứng ban đầu cách đây 43 năm. Tại sao NASA lại không công nhận?
“Cách đây hơn 40 năm, con người đã tìm ra bằng chứng sự sống trên sao Hỏa” – đó là tuyên bố mà CNN dẫn lại từ một nhà khoa học từng làm việc cho Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Tiến sĩ, kỹ sư người Mỹ Gilbert V. Levin là người giám sát chương trình đưa 2 tàu đổ bộ Viking của NASA lên sao Hỏa năm 1976 thực hiện các thí nghiệm nhằm tìm kiếm dấu hiệu sự sống trên sao Hỏa.
Sau khi nghiên cứu lại các dữ liệu thí nghiệm, tiến sĩ Gilbert V. Levin đã công bố một bài báo trên Tạp chí Scientific American nói về những kết quả tích cực liên quan đến sự sống trên Hành tinh đỏ cách đây 43 năm và kêu gọi NASA tái thực hiện các cuộc kiểm tra sự sống trên sao Hỏa.
Sau đây là nội dung tóm lược của bài báo mà tiến sĩ Gilbert V. Levin đăng tải hồi đầu tháng 10/2019.
Loài người chúng ta đến nay có thể nắm bắt được một phần nguồn gốc hình thành vũ trụ. Chúng ta cũng đã đúc rút được rất nhiều bài học về quy luật tự nhiên vô tận của nó: Sự sống, trải qua quá trình chuyển động không ngừng sẽ đạt đến sự tiến hóa, và không ngừng phát triển về sau.
Bởi vậy, khi càng hiểu biết về thế giới rộng lớn của vũ trụ, con người càng khó chấp nhận được thông tin rằng: Trái Đất là nơi duy nhất tồn tại sự sống trong vũ trụ.
Dù là dạng sống như thế nào thì rồi cũng đến lúc chúng ta phải nhìn nhận sự tồn tại của sự sống ngoài hành tinh. Thử thách đến từ việc chúng ta chưa đủ mạnh để tìm ra nhiều bằng chứng để chứng minh cho những vấn đề đó.
Tôi may mắn được tham gia chương trình Viking đưa tàu đổ bộ sao Hỏa của NASA năm 1976 nhằm thực hiện các thí nghiệm xác định có dấu hiệu tồn tại sự sống trên Hành tinh đỏ hay không.
Về cơ bản, hai tàu đổ bộ Viking 1 và Viking 2 được thả ở các vị trí cách xa nhau trên bề mặt sao Hỏa để thu thập các mẫu đất được cho là khác nhau rồi tiêm vào đó những giọt dung dịch dưỡng chất. Việc còn lại của Viking là theo dõi không khí phía trên đất và dấu hiệu trao đổi chất nếu có.
NASA đã cài phóng xạ carbon 14 vào các giọt dưỡng chất, do đó, nếu có sự sống, nó sẽ tiêu thụ thức ăn và để lại dấu vết của quá trình trao đổi chất, theo đó các máy theo dõi phóng xạ sẽ phát hiện ra (như CO2 hoặc mê tan).
Ngày 30/7/1976, Viking đã truyền lại kết quả thí nghiệm ban đầu từ sao Hỏa. Thật đáng kinh ngạc, kết quả rất khả quan. Biểu đồ đo được cho thấy dấu hiệu tồn tại của vi sinh vật trên sao Hỏa.
Tuy nhiên, vì không phát hiện ra chất hữu cơ (vật chất chính của sự sống) nên NASA đã kết luận rằng Viking đã tìm thấy một thực thể ‘bắt chước sự sống’, mà không phải là sự sống thực sự.
Từ đó đến nay, 4 thập kỷ có lẻ đã qua, NASA không công nhận cũng như không triển khai bất cứ thí nghiệm tương tự nào để xác thực lại kết quả của năm 1976. Thay vào đó, NASA triển khai một loạt sứ mệnh lên Hành tinh đỏ để xác định xem sao Hỏa có môi trường sống phù hợp sự sống trên Trái Đất hay không, và nếu có, họ sẽ đưa các mẫu đất Trái Đất lên sao Hỏa để tiến hành kiểm tra sinh học.
Tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh đến nay vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của NASA. Ngày 13/2/2019, Giám đốc NASA Jim Bridenstine tuyên bố: “Chúng ta có thể tìm thấy sự sống của vi khuẩn trên sao Hỏa. Mục tiêu của đất nước chúng ta là đưa người đổ bộ sao Hỏa. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai môi trường sống có thể đe dọa bản thân các nhà du hành vũ trụ. Bất kỳ sự sống nào trên sao Hỏa cũng có thể gây tổn hại đến họ, cũng như đe dọa đến chúng ta khi họ trở về Trái Đất (nếu bị lây nhiễm). Do đó, tìm kiếm môi trường sống được trên sao Hỏa đang là ưu tiên nghiên cứu hàng đầu của NASA”.
Nhà khoa học của NASA, Chris McKay, đã từng nói rằng sao Hỏa và Trái đất đã bị hoán đổi thành công trong hàng tỷ năm, có nghĩa là, khi một trong hai hành tinh bị sao chổi hoặc thiên thạch lớn tấn công, một số vật chất bị bắn vào không gian. Một phần rất nhỏ của vật liệu này cuối cùng rơi xuống hành tinh khác, rồi tạo mầm sống vi sinh vật nơi đó.
Việc một số loài vi sinh vật Trái đất có thể sống sót trong môi trường sao Hỏa đã được chứng minh nhiều trong phòng thí nghiệm. Thậm chí còn có báo cáo về sự sống sót của các vi sinh vật tiếp xúc với không gian bên ngoài Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Cho đến nay, không có bằng chứng nào chống lại khả năng tồn tại sự sống trên sao Hỏa của Viking. Nhưng, theo công bố của NASA về việc phóng tàu đổ bộ sao Hỏa năm 2020 (dự kiện hạ cánh vào tháng 2/2021) thì họ vẫn không triển khai thí nghiệm phát hiện sự sống nơi đây.
Nếu chúng ta tiếp tục kiểm tra dấu hiệu sự sống, dù là dạng sống nào đi nữa, thì bài toán “Con người không cô đơn trong vũ trụ?” sẽ nhanh chóng được giải. Bởi, nếu cứ khăng khăng sự sống trong vũ trụ phải giống sự sống trên Trái Đất thì cánh cửa mở ra công cuộc kiếm tìm sự sống ngoài hành tinh sẽ hẹp hơn bao giờ hết.
Do đó, NASA cần mở rộng tư duy về các dạng sống có thể tồn tại trong vũ trụ, tách biệt hẳn với tư duy cố hữu để tìm ra những dạng sống tiềm năng khác với những gì con người đã biết từ lâu.
Bọ gấu nước (Tardigrade), sinh vật được mệnh danh là bất tử trên Trái Đất không chỉ sống sót được trong điều kiện chân không mà còn ở những địa điểm cực kỳ khắc nghiệt khác trên Trái Đất. Chúng vẫn sống ở độ cao 5,5 km trên dãy Himalaya lạnh giá, hay tìm thấy trong các suối nước nóng của Nhật Bản, đến tận cùng dưới đáy đại dương và cả nơi băng giá như Nam Cực.
Hành trình con người kiếm tìm sự sống ngoài Trái Đất chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên, có thể đã đến lúc chúng ta cần trang bị tư duy mở về các dạng sống khác biệt trong vũ trụ, bởi, xét theo sự hiểu biết của con người tính đến nay, rất hiếm hành tinh nào có được điều kiện sống hoàn hảo như trên Trái Đất.
Nhưng không vì thế mà phủ định khả năng thích nghi với môi trường khắc nghiệt ngoài vũ trụ của các dạng sống khác.
30 Th11 2019
26 Th11 2019
12 Th6 2020
17 Th6 2020
30 Th11 2019
19 Th6 2020