Ai cũng nói dối, và nói dối thường xuyên. Điều đó chắc chắn có vấn đề. Vậy tại sao lại thế? Đó là cách để bảo vệ cái tôi và cố gắng tỏ ra tốt đẹp trong mắt mình và mắt người khác, các chuyên gia tuyên bố.
“Nó nằm ở lòng tự trọng của chúng ta”, nhà tâm lý học Robert Feldman tại Đại học Massachusetts, Mỹ, phát biểu. “Chừng nào mọi người cảm thấy lòng tự trọng bị đe doạ, họ sẽ lập tức nói dối ở mức độ cao”.
Không phải mọi lời nói dối đều có hại. Thực tế, đôi khi nói dối là cách tốt nhất để bảo vệ sự riêng tư, bảo vệ mình và người khác khỏi những điều xấu xa. Một số sự lừa dối núp dưới chiến thuật và sự tế nhị được coi là không nghiêm trọng. Nhưng những lời nói dối trơ trẽn (bao gồm giấu diếm sự thật hay giả mạo sự thật) thì có hại, bởi nó gặm mòn sự thật và sự thân mật – chất keo của xã hội.
Lừa phỉnh bản thân
Nhiều loài động vật cũng dối lừa, hoặc cố tình lừa gạt đối phương, nhưng chỉ con người là có khả năng lừa dối chính bản thân và người khác. Một số người quá ám ảnh về việc người khác nhìn nhận mình như thế nào đến nỗi họ không thể phân biệt sự thật và ảo tưởng.
Chẳng hạn, trong một thí nghiệm, Feldman cho 2 người lạ mặt vào cùng một phòng. Những người này được ghi hình khi đang trò chuyện. Sau đó, từng người xem lại băng và chỉ ra những gì mình nói mà không hoàn toàn chính xác.
Thay vì định nghĩa thế nào là nói dối và tránh chạm đến từ “nói dối”, Feldman chỉ yêu cầu người tham gia tìm ra những gì họ nói mà không “hoàn toàn chính xác”.
Ban đầu cả hai cùng cho rằng mình hoàn toàn trung thực. Nhưng sau khi xem lại video, họ bất ngờ nhận thấy một số thứ mình nói không đúng. Những lời nói dối xoay quanh việc họ giả vờ thích người mà họ thực sự không thích, hay tự nhận mình là ngôi sao của một nhóm nhạc nào đó.
Nghiên cứu tìm thấy khoảng 60% mọi người nói dối ít nhất 1 lần trong cuộc nói chuyện kéo dài 10 phút và bao gồm 2,92 điều không đúng sự thật.
“Mọi người hầu như nói dối một cách phản xạ”, Feldman nói. “Họ không nghĩ rằng đó là một phần trong cuộc giao tiếp xã hội thông thường của mình. Nhưng sự thật là như vậy”.
“Chúng ta không cố gắng quá mức để gây ấn tượng lên người khác nhưng vẫn duy trì một cái nhìn về bản thân để phù hợp với cách mà mọi người mong muốn mình như vậy”, Feldman nói. Chúng ta muốn được chấp thuận, để tình huống xã hội diễn trơn tru và dễ dàng hơn, để tránh xúc phạm người khác qua những bất đồng hay xích mích.
Đàn ông nói dối không kém gì phụ nữ, nhưng họ thường nói dối để khiến mình trông đẹp hơn trong mắt người khác, trong khi phụ nữ nói dối để khiến người khác cảm thấy dễ chịu hơn. Những người hướng ngoại thường nói dối nhiều hơn người hướng nội.
Lòng tự trọng và mối đe doạ tới cái tôi cũng là những động lực khiến người ta sẵn sàng nói dối với cả đồng nghiệp, hơn là người lạ mặt, Jennifer Argo tại Đại học Alberta, Mỹ, cho biết. “Chúng ta đều muốn đẹp mặt khi có sự xuất hiện của người khác (đặc biệt khi đó là người ta quan tâm) và chúng ta muốn bảo vệ giá trị bản thân”, Argo nói.
Thí nghiệm bao gồm kịch bản một người mua ôtô đắt hơn một đồng nghiệp. Khi người đồng nghiệp nói về số tiền mình mua xe, người tham gia sẽ tự chọn cách trả lời như thế nào. Argo tìm thấy chủ thể sẽ sẵn sàng nói dối khi sự chênh lệch giá tiền là nhỏ và khi họ nói chuyện với đồng nghiệp hơn là người lạ mặt.
Người tiêu dùng nói dối để bảo vệ hình ảnh của mình trước công chúng. Bà cũng ngạc nhiên khi thấy mọi người sẵn sàng nói dối với một người quen biết chỉ vì một sự chênh lệch nhỏ nhoi.
“Tôi cho rằng mọi người chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt khi quyết định lừa gạt người khác để bảo vệ giá trị và hình ảnh bản thân lúc hiện tại, nhưng sau đó khi người bị gạt tìm ra sự thật thì có thể sẽ có hậu quả lâu dài”.
Feldman khuyên rằng mọi người nên nhận rõ giới hạn của lời nói dối và thực tế là sự chân thật vẫn tạo ra những mối quan hệ đích thực và lòng tin tưởng nhiều hơn.
20 Th10 2020
26 Th11 2019
19 Th10 2020
19 Th10 2020
19 Th10 2020
16 Th7 2020