Ai nghẹn ngào khi xem một bộ phim buồn? Ai quá cuồng si tới mức ôm lấy những người lạ? Ai tan nát cõi lòng khi hôn nhân kết thúc? Câu trả lời kể cũng đáng ngạc nhiên: đàn ông.
Chính xác mà nói thì “bộ phim buồn” về thể thao, những cái ôm bột phát ấy diễn ra trên sân vận động, còn hôn nhân bị đổ vỡ có thể là quyết định của người đàn ông. Những nghiên cứu mới phát hiện thấy đời sống cảm xúc của nam giới cũng phức tạp và phong phú như của nữ giới, nhưng có vẻ bí hiểm – đối với cả nam và nữ.
Xưa nay đa cảm vẫn được xem là một đặc trưng của phụ nữ, thế mà theo các nghiên cứu hiện nay, tần suất thể hiện xúc động của đàn ông không thua kém gì nữ giới. Phân tích về trí thông minh, cảm xúc của nửa triệu người lớn cho biết, đàn ông cũng chiếm tỷ lệ tương đương phụ nữ về những quan tâm tình cảm.
Nam, nữ đều hỉ, nộ, ái, ố… chỉ có quá trình và cách diễn cảm là khác thôi. Nhà tâm lý Josh Coleman, tác giả cuốn Anh chồng lười nhác nói: “testosterone ảnh hưởng lên cảm xúc của người đàn ông. Anh ta lý trí hoá và phân hoá cảm xúc – anh ta làm việc với cảm xúc. Còn phụ nữ thì tiếp cận với cảm xúc của mình tự nhiên hơn.
Những mối liên hệ trí não
Tại sao có quá nhiều đàn ông bị “thiểu năng” về biểu cảm? Nguyên nhân thứ nhất (và là nguyên nhân của tạo hoá): bộ não của họ. Liên hệ giữa bán cầu não trái, điều khiển tư duy hợp lý, và bán cầu não phải, điều khiển cảm xúc – là mạnh hơn ở người phụ nữ – ví như đường cao tốc liên bang cho phép qua lại dễ dàng giữa hai bán cầu đại não. Còn ở nam giới, sự liên hệ khó khăn như chạy trên đường làng. Điều này lý giải vì sao nghiên cứu về đàn ông trong những nền văn hoá khác nhau đều cho thấy họ rất dở trong việc am hiểu những thông điệp phi ngôn từ, như cử chỉ, vẻ mặt, âm sắc giọng nói. Nam giới phản xạ đối với cảm xúc yếu hơn nữ và quên nó đi một cách nhanh chóng. Thí nghiệm tại Đại học Stanford cho thấy, những tấm hình có cảnh đau thương thường kích hoạt nhiều vùng trong não của phụ nữ. 3 tuần sau, người phụ nữ còn nhớ nhiều chi tiết trong tấm hình đó trong khi đàn ông gần quên hết.
Tương tự, người phụ nữ vẫn nghiền ngẫm về một xích mích, còn “hoài cảm” về một vụ cãi cọ, trong khi chồng cô ta đã xoá khỏi bộ nhớ từ lâu.
Cơn bão lòng có sức tàn phá xúc cảm đàn ông dữ dội nhất có tên là “ly dị”. Nó hất anh lên một ốc đảo, nơi anh không thể giãi bày cùng ai. “Thời gian đầu, tôi phải đối mặt với một thứ xúc cảm ‘trần trụi'” – Schroder- người gần đây đã tái hôn sau hơn một thập kỷ ly hôn, nói: “Trong nhiều năm, tôi đánh vật với những cảm giác nhức nhối. Bây giờ tôi biết cách để thưởng thức cuộc sống tốt hơn. Tôi tiếp xúc với những nhân tố tích cực của bản thân mình. Nếu trước đây tôi mà làm được như thế, có thể tôi đã là người chồng tốt hơn”.
Không được khóc
Lần đầu tiên Robert westover, 41 tuổi, thấy cha khóc là vào ngày anh tốt nghiệp trường sĩ quan. “Một ít nước mắt chảy xuống má ông”, Robert nói. “Tôi đã sốc”.
Lớn lên trong gia đình quân nhân với 3 anh em trai, Robert đã học cách ăn nhanh, nói lớn, tranh đua hung hăng và kìm giữ cảm xúc. “Bày tỏ tình cảm là điều – không – thể giữa những người đàn ông” Robert nói.
Những cậu con trai “nằm lòng” bài học này từ khi chưa “ra ràng”. Mới 12 tháng tuổi, chúng đã kém hơn bọn con gái về giao tiếp bằng mắt và tỏ ra hứng thú với những đồ vật chuyển động như xe hơi hơn là những gương mặt người. Cả cha lẫn mẹ đều hiếm khi chia sẻ với chúng về cảm giác tâm trạng (ngoại trừ khi quát tháo). Lưng vốn từ vựng về cảm xúc của con trai nghèo hơn con gái. Ngoài sân chơi, bọn con trai học cách ngăn chặn nước mắt và ra vẻ không sợ hãi. Những gương mặt của chúng vì thế mà trở nên kém biểu cảm hơn bọn con gái.
Giảng viên Đại học Victoria ở Wellington, Ann Weatherall, nói: “Những nhận thức và định kiến rập khuôn của chúng ta đã bóp méo thực tế, khiến cho những người đàn ông trở nên phi tự nhiên”. Nó chính là nguyên nhân thứ 2 gây nên hội chứng “thiểu năng biểu cảm” (nguyên nhân xã hội).
Người đàn ông sử dụng ngôn từ dè sẻn hơn phụ nữ. Và khi họ nói (ít nhất tại nơi công cộng) thường tập trung vào đề tài đang phát biểu, không như phụ nữ thường kéo theo chuyện ngoài rìa. Thậm chí giữa đàn ông với nhau, thường cũng chỉ trao đổi những thông tin về thể thao, xe hơi, máy tính. Mark Goulson, tác giả cuốn 6 bí mật để giữ một quan hệ lâu dài, nói: “Phụ nữ nói để làm nhẹ cái đầu họ, còn nam giới nghĩ trước khi nói. Nếu không, lỡ miệng thốt ra một điều dại dột nào đó thì có thể bị bẽ mặt, hoặc rủi làm mếch lòng một anh chàng khác thì có thể dẫn đến phân xử bằng nắm đấm. Yên tâm nhất là không nói gì hết”.
Cái gì núp sau mặt nạ thâm trầm và khắc khổ của người đàn ông? Sự yếu đuối. Phần lớn đàn ông, như các chuyên gia nhất trí: ít vững chãi hơn rất nhiều so với những gì mà họ muốn được thừa nhận. “Trong mỗi người đàn ông có một nỗi sợ thầm kín, rằng mình thiếu năng lực và can đảm, rằng không nam tính như cần thiết”. Goulson nói: “Người đàn ông biết anh ta được xem như tấm bình phong cho gia đình mình. Anh ta buộc phải căng thân ra mà che chắn sóng gió cho đến khi sức tàn mới thôi.
Westover, một cựu lang quân, than thở: “Mới đầu, phụ nữ muốn đàn ông chúng tôi trải lòng ra. Tiếp đó, họ muốn chúng tôi cương quyết sắt đá. Phải thi hành những bài “thể dục cảm xúc” kiểu ấy thật muốn điên cái đầu. Chúng tôi không có bản đồ chỉ dẫn cho biết làm sao để vừa tình tứ lại vừa mạnh mẽ”.
Tại sao đàn ông dễ nổi đoá?
Mặc dầu tần số xuất hiện những cơn giận của phụ nữ chẳng kém gì đàn ông, nhưng những cơn điên tiết của đàn ông mang chất hoang sơ. Có lần tại một nhà hàng, Kim Garretson, 54 tuổi, chiến lược gia của một công ty, đã xử sự như một hoả diệm sơn, khác chăng là anh không phun trào nham thạch mà hất tung món khai vị, vì nó được đem tới mà chưa rã đông.
Tại sao có nhiều đàn ông dễ thịnh nộ? Cơn giận bùng nổ vì có quá nhiều khổ sở một khi anh cứ phải gồng mình, phải “phăng teo” những gì thuộc bản thể.
Nếu anh không phát triển những bản năng của mình – bằng phương cách nào đó, nếu anh không học cách làm việc với cảm xúc của mình, anh không là mình mà chỉ như một phiên bản méo mó của mình – anh sẽ giống như một ngôi nhà được ghép bởi những lá bài. Ngôi nhà ấy rồi sẽ sụp đổ, chỉ còn chờ thời gian.
“Ngôi nhà lá bài” của Kim Garretson sụp đổ từ 4 năm trước, khi ông được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt. Kim nhận ra ông chẳng còn gì để sợ mất. Thế là Kim quyết định sống và làm việc theo nhu cầu tình cảm của mình: “Tôi không còn sợ phải thể hiện bất cứ cảm xúc gì. Cơn giận được tôi tống tiễn nhanh chóng bằng lối tự trào – tôi liên lạc lại với bạn bè cũ, nói về những vấn đề lớn lao của cuộc sống. Tôi tìm kiếm ý nghĩa tâm linh. tôi tràn đầy hớn hở và vui mừng khi được bà xã khen ngợi”.
Hãy cứ là mình
Người đàn ông có thể biểu cảm nhiều hơn mà không cần dùng đến nước mắt. Sau đây là gợi ý:
– Phát triển một “lối ra” tích cực. Vẽ hoặc theo đuổi một thú vui.
– Thực hành những bài tập vận động để tiêu trừ căng thẳng và giận dữ.
– Thử diễn đạt “một ít” cảm xúc. Bắt đầu bằng những thứ bạn có thể làm chủ được, chia sẻ với “một đôi tai biết lắng nghe”.
– Chú trọng đến những xúc cảm khó chịu. Một khi bạn không thể chắc chắn rằng sẽ cầm cương được một “con ngựa dở chứng” – cảm xúc khó chịu nào đó thì chẳng cần lẩn tránh mà hãy tiếp cận nó. Đây chính là một cơ hội để bạn thực hành cách điều hoà cảm xúc.
Hỗ trợ bạn mình
Doanh nhân Chris Schroder nói: “Đàn ông chúng tôi tránh né bày tỏ cảm xúc như những chú cua “ẩn dật”, hễ thấy chuyện eo xèo sẽ xếp càng lại và ai kia chớ năn nỉ vô ích. Chỉ khi chúng tôi thấy an toàn, mới mở càng ra.
Sau đây là vài chiêu để phụ nữ giúp người đàn ông thương yêu nhất của mình:
– Trò chuyện: Ngồi bên nhau chứ không đối diện.
– Vận động, khi đi bộ hoặc đi dạo cùng nhau là khi người ta thư giãn nhất.
– Đừng yêu cầu anh ta phải mổ xẻ câu chuyện này hay vấn đề kia. Đừng soi xét thời thơ ấu, hãy sống với hiện tại.
– Chớ hối thúc anh ta phải bộc bạch ngay cho bạn biết nếu anh ấy có chuyện khó chịu. Chỉ cần để anh ta hiểu bạn biết tâm trạng anh ấy không vui. Để anh ấy thổ lộ nỗi niềm khi muốn.
– Nam giới xem tình dục như một dạng ngôn ngữ giao tiếp “thay lời muốn nói. Đừng ép anh ta diễn đạt niềm yêu thích bạn bằng lời nói mà hãy bằng ngôn ngữ của anh ấy.
26 Th11 2019
19 Th10 2020
19 Th10 2020
20 Th10 2020
20 Th10 2020
19 Th10 2020