Càng nhìn lâu, càng dễ bỏ sót

Càng chăm chú quan sát vật gì đó, bạn càng có ít cơ hội thấy nó đầy đủ hơn, các nhà khoa học Mỹ vừa khám phá ra nghịch lý này. Theo họ, điều đó sẽ giải thích cho hiện tượng chúng ta bỏ qua những chứng cứ bề ngoài quan trọng.

Trong nghiên cứu của Đại học New York, những người tình nguyện được yêu cầu nhìn chăm chú vào những sọc trắng đen sẽ nhận ra chúng kém hơn.

Nhóm nghiên cứu tin rằng sự chú ý lâu vào một hình ảnh tĩnh đã khiến thị giác “kiệt sức” sau thời gian hỗ trợ ban đầu.

Mặc dù việc tập trung thị lực vào một vật ban đầu quả có tác dụng, song lợi ích này nhanh chóng nhạt đi, nhà điều tra Samuel Ling và Marisa Carrasco phát hiện thấy.

Chẳng hạn, nếu bạn đang theo dõi một màn hình và tất cả thời gian bạn dành vào một điểm đặc biệt trên màn hình đó, bạn sẽ mất đi sự nhạy cảm sau một thời gian ngắn. “Điều này quả là ngược đời bởi vì bạn nghĩ rằng bạn đang làm tốt nhất trong khả năng nhờ việc tập trung chú ý”, Carrasco nói.

Các nhà nghiên cứu tin rằng nghịch lý này có thể bắt nguồn từ lợi ích tiến hóa. Chẳng hạn, việc điều chỉnh thông tin thị giác mà bạn đã xử lý sẽ giúp giải phóng nguồn tài nguyên hạn hẹp của não bộ để phát hiện những thay đổi trong môi trường – khả năng cần thiết của những động vật bị săn mồi.

Ngay những kẻ đi săn cũng có thể lợi dụng đặc điểm này, chúng sẽ tiến đến từng chặng một rất lâu trước khi con mồi kịp nhận ra.

Giáo sư Peter McOwan, giáo sư về khoa học máy tính tại Đại học Queen Mary, London nhận xét: “kết quả này chỉ ra một dạng mới thú vị của ảo giác tập trung – càng nhìn lâu, bạn càng thấy ít”.

“Khám phá này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn cơ chế cảm nhận của con người. Nó sẽ cho phép chúng ta xây dựng những hệ thống thị giác máy tính thông minh hơn, biết phải tìm kiếm cái gì”.