Thuyết lợi thế cạnh tranh (Competitive Advantage Theory)

Trước những năm 1980, mặc dù được sử dụng rộng rãi nhưng khái niệm Lợi thế cạnh tranh (Competitive Advantage) vẫn chỉ là một khái niệm tương đối. Các tác phẩm và nghiên cứu về chiến lược thời này chủ yếu đề cập đến các điểm mạnh và điểm yếu cụ thể của doanh nghiệp (Andrews, 1971); hoặc chỉ đề cập đến lợi thế cạnh tranh trong một vài trường hợp không rõ ràng (Penrose, 1959); hoặc sử dụng thuật ngữ này, nhưng chỉ để mô tả điều một doanh nghiệp cần để cạnh tranh có hiệu quả (Ansoff, 1965) chứ không làm rõ được nội dung học thuyết lợi thế cạnh tranh.

Please wait while you are redirected...or Click Here if you do not want to wait.

Trong nghiên cứu của mình năm 1979, Michael Porter không hề đề cập đến khái niệm lợi thế cạnh tranh; ông vẫn chỉ mô tả chiến lược nhằm định vị doanh nghiệp trong mối quan hệ với năm lực lượng hay áp lực của thị trường (Porter, 1979). Tác phẩm “Lợi thế cạnh tranh” của ông, xuất bản năm 1985, lần đầu giới thiệu thuật ngữ này với cách dùng phổ biến cho đến hiện nay.

Mặc dù khái niệm lợi thế cạnh tranh thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu nhưng vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về nó trước những năm 1980. Khi Porter (1985) lần đầu chính thức trình bày thuật ngữ này, ông mô tả như sau: “Lợi thế cạnh tranh nằm ở trung tâm hiệu quả trên thị trường cạnh tranh. Tuy nhiên, sau một vài thập niên phát triển mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp đã đánh mất tầm nhìn về lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua tăng trưởng và theo đuổi đa dạng hóa. Ngày nay, tầm quan trọng của lợi thế cạnh tranh là rất lớn. Doanh nghiệp trên toàn thế giới đang phải đối mặt với mức tăng trưởng chậm hơn cũng như sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ trong nước và toàn cầu trong khi chiếc bánh thị phần không còn đủ lớn cho tất cả” (tr. xv).

Lợi thế cạnh tranh được phân thành hai loại cơ bản: lợi thế chi phí thấp và lợi thế khác biệt hóa (Porter, 1985). Lợi thế chi phí thấp (cost advantage) đạt được khi doanh nghiệp cung ứng những giá trị/tiện ích như các đối thủ cảnh tranh nhưng với chi phí thấp hơn. Lợi thế khác biệt hóa (differentitation advantage) đạt được là khi doanh nghiệp cung ứng những giá trị/tiện ích vượt trội hơn sản phẩm/dịch vụ các đối thủ cạnh tranh; khác biệt ở đây là “một cái gì đó độc đáo, được khách hàng đánh giá cao hơn việc đưa ra một mức giá thấp” (Porter, 1985). Một doanh nghiệp trở nên khác biệt so với đối thủ cạnh tranh nếu doanh nghiệp đó tạo ra được một sản phẩm/dịch vụ mà đối thủ không làm được, hoặc có được một nguồn tài nguyên mà đối thủ không có. Và, khách hàng đánh giá cao điều này và sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để có được sản phẩm/dịch vụ đó.

Để hiểu thêm các nội dung chi tiết của học thuyết lợi thế cạnh tranh, xin mời xem các bài dưới đây:

1. Tổng quan về lợi thế cạnh tranh

1.1. Định nghĩa và phân loại
1.2. Lợi thế cạnh tranh bền vững
1.3. Nguồn gốc của lợi thế cạnh tranh

2. Phân tích môi trường cạnh tranh bên ngoài

2.1. Mô hình cạnh tranh năm áp lực
2.2. Nhóm chiến lược

3. Xác định, xây dựng, triển khai và bảo vệ lợi thế cạnh tranh

3.1. Xác định lợi thế cạnh tranh trên Chuỗi giá trị doanh nghiệp
3.2. Chiến lược cạnh tranh tổng quát
3.3. Xây dựng và bảo vệ lợi thế cạnh tranh

Học thuyết lợi thế cạnh tranh với các mô hình phân tích môi trường kinh điển của Porter như mô hình năm áp lực, chuỗi giá trị, các chiến lược cạnh tranh tổng quát, nhóm chiến lược, cung cấp những công cụ phân tích môi trường và phương thức hành động của doanh nghiệp. Về lý luận học, các nghiên cứu này được đánh giá đã tổng hợp toàn bộ các quan điểm phân tích trước đó về môi trường và sự phụ thuộc của doanh nghiệp. Đây cũng là giai đoạn đỉnh cao của nghiên cứu về môi trường và doanh nghiệp, nhưng cũng đánh dấu sự thoái trào của quan điểm tiệp cận này, và mở ra các hướng nghiên cứu khác, đặc biệt là các học thuyết nguồn lực, học thuyết siêu cạnh tranh ….

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), “Chương 9: Thuyết lợi thế cạnh tranh”, trong sách Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 164-190.