Một nghiên cứu mới đây đã tiết lộ sự thật “chấn động” rằng vũ trụ đang tồn tại những nơi thuận lợi cho sự sống sinh sôi nảy nở còn hơn cả trên Trái Đất.
Trái Đất liệu có phải nơi có điều kiện sống tốt nhất? (Ảnh: Pixabay Composite)
Nghiên cứu mới này có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu sự sống ngoài hành tinh của chúng ta, đồng thời chỉ ra rằng dấu hiệu sự sống ở các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời còn nhiều hơn những gì chúng ta tưởng.
“Đây là một kết luận đáng kinh ngạc,” tiến sĩ Stephanie Olson, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, “Nó cho chúng ta thấy rằng các “ngoại hành tinh” với những điều kiện hải lưu thuận lợi thường sẽ rất phù hợp cho một sự sống phong phú và đa dạng hơn rất nhiều so với sự sống trên Trái Đất.”
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện một số lượng lớn các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời. Nhưng tất cả trong số chúng thường ở rất xa, thậm chí vượt ngoài tầm với của chúng ta kể cả khi được trang bị các loại phi thuyền có tốc độ nhanh nhất, và thậm chí còn rất khó để có thể quan sát từ xa bởi các loại kính thiên văn hiện đại nhất.
Các nhà khoa học đã dùng nhiều cách khác nhau để nghiên cứu về những hành tinh này, trong đó có cả việc dùng kính viễn vọng “đánh hơi” bầu khí quyển của xung quanh chúng, để phần nào có thể hiểu về cách chúng được hình thành. Nhưng để nắm được đầy đủ những thông tin trên, họ cần phải tạo dựng các mô hình chi tiết và phức tạp về sự hình thành và điều kiện khí hậu của các hành tinh này.
Các “ngoại hành tinh” này vốn nằm rất xa nên chỉ có thể mô phỏng thông qua việc tạo mô hình (Ảnh: Stock)
Bằng việc kết hợp những quan sát của mình với những mô hình được tạo dựng như trên, các nhà khoa học sẽ hiểu được những hành tinh nào có dấu hiệu sống từ phía xa.
Tiến sĩ Olson và các cộng sự của bà đã kết hợp những công đoạn trên để có một cái nhìn sáng tỏ hơn về những hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, và có thêm nhiều thông tin cho nghiên cứu của mình. Công trình của họ đã được giới thiệu lần đầu tại Đại hội Địa chất Goldschmidt tổ chức ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha.
“Công cuộc tìm kiếm sự sống trong vũ trụ của NASA vốn chỉ tập trung vào các hành tinh trong khu vực mà họ coi là Vùng cư trú, tức là những nơi mà họ cho là tồn tại những vùng biển có nước lỏng,” bà Olson cho biết, “Nhưng không phải đại dương nào cũng đều dễ sống như nhau, do chúng còn phụ thuộc vào điều kiện lưu thông của các dòng biển trên bề mặt mỗi hành tinh.
Để có thể thực hiện nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã tạo mô hình của những “ngoại hành tinh” này bằng việc sử dụng phần mềm của NASA, thứ cho phép mô phỏng gần như hoàn chỉnh các điều kiện về địa hình và khí hậu trên bề mặt của chúng. Bằng việc sử dụng công nghệ từ NASA, họ có thể tạo nên những hình mẫu về khí hậu và các đại dương có thể có trên những hành tinh này. Họ xem lại tiến trình hình thành sự sống dưới lòng các đại dương trên Trái Đất, và đối chiếu nó với các mô hình để xem liệu có tiến trình tương tự ở một nơi nào đó ngoài vũ trụ hay không.
Tiến sĩ Olson cho biết: “Công trình của chúng tôi có mục tiêu xác định vị trí các đại dương nằm trên hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, những nơi có điều kiện thuận lợi nhất để tạo ra một nguồn sống năng động và phong phú trên toàn bộ hành tinh.
Điều kiện nước và đại dương có vai trò rất lớn trong việc hình thành sự sống ngoài hệ Mặt Trời (Ảnh: GETTY)
Sự sống ở các đại dương trên Trái Đất phụ thuộc vào việc các dòng hải lưu mang nguồn dinh dưỡng từ sâu dưới lòng biển đến những vùng có thể tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời. Quá trình này diễn ra nhiều hơn thì các hoạt động sinh học cũng trở nên phong phú hơn. Đó cũng là điều kiện mà chúng ta cần phải xem xét đối với những hành tinh này.”
Bằng cách mô hình hóa nhiều hành tinh khác nhau, các nhà nghiên cứu có thể nhận thấy hành tinh nào sẽ có khả năng phát triển và duy trì sự sống nhiều nhất. Và họ đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra Trái đất không phải là nơi tốt nhất để sự sống ươm mầm, mà còn có những nơi khác ngoài kia có điều kiện sống thuận lợi hơn nhiều.
“Chúng tôi đã ứng dụng các điều kiện hải lưu để xác định xem những hành tinh nào có vùng biển thuận lợi nhất làm điều kiện sống,” bà Olson cho biết, “Chúng tôi nhận thấy những hành tinh có mật độ khí quyển dày hơn, quỹ đạo di chuyển chậm hơn và có nhiều mảng lục địa hơn, thì tỉ lệ sống sẽ cao hơn.”
Công trình nghiên cứu này rất quan trọng vì công nghệ hiện tại chưa cho phép chúng ta có thể quan sát được mọi thứ, kể cả với những thiết bị thiên văn tiên tiến nhất. Bằng cách này, các nhà khoa học sẽ có thể tối giản việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất, bằng cách sàng lọc các điều kiện cơ bản để chọn ra hình mẫu mà họ thấy phù hợp nhất.
“Giờ đây, chúng ta đã biết mình cần tìm kiếm những gì, vì vậy chúng ta cần phải bắt đầu nhiệm vụ của mình ngay từ lúc này,” Tiến sĩ Olson khẳng định.
17 Th6 2020
9 Th12 2019
19 Th6 2020
16 Th7 2020
12 Th6 2020
29 Th11 2019