Học thuyết đại diện (Agency Theory) xoay quanh các câu hỏi: Tại sao chủ doanh nghiệp phải chia sẻ quyền lực (cho nhà quản lý) và quyền sở hữu (cho các cổ đông khác) khi biết rằng lợi nhuận thu được sẽ giảm nếu anh ta tự mình ddiefu hành và sở hữu doanh nghiệp? Ai thực sự là người nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp: cổ đông hay nhà quản lý? và doanh nghiệp được tổ chức quản lý và kiểm soát như thế nào để đảm bảo sự ổn định trên cơ sở thỏa mãn lợi ích của các bên?
Please wait while you are redirected...or Click Here if you do not want to wait.Phạm vi áp dụng của học thuyết bao gồm tất cả các hợp đồng ủy quyền, cụ thể trong doanh nghiệp là hợp đồng lao động giữa nhân viên và doanh nghiệp; trong đó, học thuyết tập trung phân tích mối quan hệ hợp đồng đặc biệt giữa chủ doanh nghiệp (các cổ đông) và nhà quản lý của các doanh nghiệp cổ phần.
Học thuyết đại diện (Ross, 1973; Jensen và Meckling, 1976) phân tích mối quan hệ mâu thuẫn phụ thuộc giữa chủ doanh nghiệp (cổ đông) và các nhà quản lý (ban lãnh đạo, quản lý) trong doanh nghiệp. Trong đó, cổ đông, được gọi là người ủy quyền (principal), ủy thác cho các nhà quản lý, được gọi là người được ủy quyền hay đại diện (agent), thực hiện hoạt động điều hành và quản lý doanh nghiệp theo lợi ích của cổ đông. Một các khái quát, “mối quan hệ đại diện được thiết lập giữa hai hay nhiều bên khi mà một trong các bên này, gọi là người đại diện (agent), hành động như một đại diện của bên kia, được gọi là người ủy quyền (principal), trong một bối cảnh ra quyết định đặc biệt” (Ross, 1973, p.134). Như vậy, có thể nói nếu có sự chuyển giao quyền ra quyết định thì quan hệ đại diện sẽ tồn tại. Jensen và Meckling (1976) định nghĩa mối quan hệ đại diện như “một hợp đồng trong đó một hay nhiều người sử dụng dịch vụ của một người khác để hoàn thành, dưới danh nghĩa của mình, một công việc nào đó, hành động này bao hàm sự ủy quyền quyền ra quyết định cho người khác” (p.308).
Có thể thấy khái niệm của Jensen và Meckling (1976) mang nghĩa rộng hơn bởi vì: mỗi hợp đồng là một mối quan hệ đại diện, và mọi hợp đồng đều bao hàm trong nó mối quan hệ này, kể cả những hợp đồng lao động thông thường của doanh nghiệp. Hợp đồng này được coi là một thỏa thuận ủy quyền một phần quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp cho người đại diện. Như vậy, về nguyên tắc, người đại diện phải có khả năng quản lý những đối tượng trong hợp đồng thỏa thuận một cách tốt hơn những người chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự tách rời giữa quyền sở hữu và quyền quản lý doanh nghiệp này dẫn đến hậu quả là “giám đốc của các doanh nghiệp này trở thành những người quản lý tài chính của người khác … một cách bất cẩn và lãng phí” chứ không “thực sự nghiêm túc như cách mà những người chủ doanh nghiệp xử lý vốn của chính họ” (Smith, 1776). Đây chính là vấn đề mà tất cả các doanh nghiệp cổ phần hiện nay đã đang và sẽ luôn phải đối mặt và xử lý.
Để hiểu thêm về học thuyết đại diện, mời xem các bài viết chuyên sâu dưới đây:
1. Tổng quan học thuyết đại diện
1.1. Bản chất của doanh nghiệp quản lý: quyền sở hữu tách rời quyền quản lý
1.2. Cấu trúc sở hữu của doanh nghiệp quản lý
1.3. Bối cảnh mối quan hệ đại diện giữa các bên
1.4. Thái độ linh động của nhà quản lý
2. Cơ chế vận hành của doanh nghiệp quản lý
2.1. Tối đa hóa doanh thu
2.2. Tối đa hóa tiện ích nhằm thỏa mãn các mục đích cá nhân
2.3. Tối đa hóa tăng trưởng doanh nghiệp
3. Giải pháp đối với vấn đề đại diện
3.1. Cân đối kinh tế của các bên trong quan hệ đại diện
3.2. Sự điều tiết của thị trường
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), “Chương 11: Học thuyết đại diện”, trong sách Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 205-233.
4 Th2 2019
1 Th2 2019
3 Th2 2019
4 Th2 2019
4 Th2 2019
4 Th2 2019