Học thuyết ra quyết định (Decision Theory)

Bài này tập trung trình bày các nội dung chính của học thuyết ra quyết định của doanh nghiệp (Decision Theory). Về cơ bản, học thuyết ra quyết định của tổ chức và học thuyết hành vi cá nhân được xây dựng từ cơ sở lý luận chung. Thực tế, quá trình ra quyết định của cá nhân và tổ chức có nhiều điểm tương đồng, vìcác quyết định trong tổ chức được các cá nhân thực hiện. Tuy nhiên, học thuyết hành vi cá nhân chủ yếu chỉ đề cập đến quá trình phán đoán và quyết định của cá nhân một cách chung chung, chưa tập trung vào bối cảnh một tổ chức cụ thể. Mặt khác, trong khoảng từ những năm 1990s trở lại đây, các tổ chức bắt đầu phát triển mạnh mẽ, kéo theo sự gia tăng mức độ phức tạp trong hoạt động quyết định trong tổ chức. Chính vì vậy, học thuyết ra quyết định của tổ chức ra đời, đưa ra khung lý luận cụ thể về hoạt động này.

Please wait while you are redirected...or Click Here if you do not want to wait.

Nghiên cứu hoạt động ra quyết định trong tổ chức nằm giữa hai thái cực. Thứ nhất là vấn đề chuyển đổi giữa mô hình hành vi cá nhân và lý thuyết hành vi một hệ thống gồm các cá nhân đó. Thứ hai, đây là một phần trong nghiên cứu về tổ chức nhằm giải thích các hành động tập thể và có tổ chức của một tổ chức. Các hành vi lựa chọn được các nhà xã hội học và tâm lý xã hội học nghiên cứu thông qua các mô hình lựa chọn với khả năng tư duy hợp lý trong kinh tế học, các kỹ thuật mô hình hóa kinh tế và thống kê. Mặt khác, các nhà tâm lý học cũng đóng góp với các nghiên cứu về khả năng nhận thức của tổ chức.

Để phân biệt học thuyết ra quyết đinh của tổ chức và của con người, cần làm rõ một số khái niệm chung. Về bản chất, ra quyết định là hoạt động lựa chọn hành động làm gì, hoặc không làm gì để đạt được các mục tiêu đề ra (Yates và Zukowski, 1976). Hay nói một cách khác, quyết định là các cam kết hành động, sự phân bổ các nguồn tài nguyên (Mintzberg và các cộng sự, 1976). Simon (1977) phân loại các quyết định thành hai loại, bao gồm (i) các quyết định được lập trình (programmed decisions) và (ii) các quyết định thứ hai không lập trình (nonprogrammed decisions). Bên cạnh đó, tác giả cũng chỉ rõ các quyết định có thể là có cấu trúc (well- structured) và không có cấu trúc (ill-structured).

  • Các quyết định được lập trình sẵn là những quyết định có tính lặp đi lặp lại. Các quyết định này thường được xử lý theo một quy trình thông thường và được xác định trước (Simon, 1977). Ví dụ như quyết định sắp xếp lại hàng tồn kho của một doanh nghiệp. Quyết định được lập trình sẵn như một chương trình máy tính (computer program) đã được thiết kế, xây dựng và vận hành theo một kịch bản có sẵn.
  • Các quyết định không lập trình là quyết định có tính mới lạ, không có cấu trúc, thường xảy đến bất ngờ và tác động trực tiếp tới kết quả hoạt động của các tổ chức (Simon, 1977). Gibson và các cộng sự (1985) chỉ ra rằng, “không thể sử dụng bất kỳ loại thói quen nào để giải quyết các loại quyết định này, bởi vì các vấn đề chưa từng phát sinh trước đây”. Ví dụ như các quyết định đa dạng hóa kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm tại một thị trường mới của một doanh nghiệp kinh doanh.

Trên đây là những điểm khác biệt cơ bản nhất giữa các quyết định được lập trình và không lập chương trình. Trái ngược quan điểm trên, Simon (1977) cho rằng: “tôi nhanh chóng nhận ra 2 loại quyết định trên không thật sự khác biệt nhau. Quá trình ra quyết định của một tổ chức mang tính liên tục, với các quyết định có tính lập trình cao ở một đầu và những quyết định không được lập trình ở mức đầu kia của quá trình liên tục đó” (trang 45-46).

Ra quyết đinh là quá trình xây dựng và ban hành quyết định cuối cùng. Hoạt động này bao gồm nhiều giai đoạn với kết quả đầu ra là một quyết định cụ thể. Ofstad (1961) cho rằng “… ra một quyết định tức là đưa ra một phán xét về cái phải làm trong một tình huống nào đó sau khi đã cân nhắc suy nghĩ giữa các hoạt động có thể”.

Để hiểu thêm về học thuyết đại diện, mời xem các bài viết chuyên sâu dưới đây:

1. Phân biệt học thuyết ra quyết định của tổ chức với của cá nhân

1.1. Tổng quan về học thuyết ra quyết định của con người
1.2. Các đặc điểm của học thuyết ra quyết định của tổ chức

2. Các khái niệm và nguyên tắc cơ bản trong quá trình ra quyết định trong doanh nghiệp

2.1. Các tác nhân tham gia ra quyết định và vai trò của người ra quyết định
2.2. Khả năng tư duy của các tác nhân kinh tế
2.3. Xác định mục tiêu và giải quyết mẫu thuẫn về mục tiêu trong doanh nghiệp
2.4. Khát vọng và thái độ thỏa mãn của người đại diện
2.5. Động lực – nguồn gốc của hành vi và thay đổi hành vi của nhà quản lý
2.6. Cơ chế điều chỉnh và thích nghi của doanh nghiệp với hành vi của các cá nhân thành viên

3. Quy trình và các mô hình ra quyết định của doanh nghiệp

3.1. Quy trình ra quyết định tư duy và quyết định ở các cấp quản lý trong doanh nghiệp
3.2. Phương pháp ra quyết định so sánh liên tục từng bước nhỏ
3.3. Mô hình quyết định theo quyền lực trong doanh nghiệp
3.4. Mô hình ra quyết định thùng rác

Bài này trình bày hoạt động ra quyết định của doanh nghiệp, góp phần làm phong phú thêm khung phân tích về hoạt động ra quyết định trong doanh nghiệp. Cụ thể, trong hoạt động ra quyết định của doanh nghiệp, xác định vấn đề có vai trò rất quan trọng vì cần phải xác định xem có cần phải quyết định hay không. Sau đó, ta cần xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hưởng đến quá trình ra quyết định, thu thập các thông tin liên quan để lựa chọn giải pháp và xác định “người ra quyết định”. Mỗi một mô hình ra quyết định đều có những ưu, nhược điểm riêng. Mô hình quyết định theo quyền lực trong doanh nghiệp đưa ra một cách thực sự quan niệm doanh nghiệp như một hệ thống. Tuy nhiên, vì ra quyết định theo quyền lực trong doanh nghiệp nên không tránh khỏi việc các quyết định được đưa ra có ảnh hưởng cá nhân và nằm trong khuôn khổ lợi ích của người ra quyết định. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm được thực hiện nhờ sự độc đáo của mô hình thùng rác. Mô hình thùng rác, phục vụ việc ngắt kết nối các thành phần khác nhau của hoạt động ra quyết định, đưa ra sự gián đoạn cấp tiến với các quan niệm trước đó về hoạt động ra quyết định trong tổ chức. Mô hình ra quyết định này chỉ là đặc trưng của một số tổ chức (tình trạng hỗn loạn có tổ chức).

 

Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), “Chương 12: Học thuyết ra quyết định”, trong sách Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 234-263.