Ảnh chụp hố đen, băng tan ở Greenland và tàu vũ trụ Soyuz xuyên qua khí quyển Trái Đất… được Nature chọn top ảnh khoa học ấn tượng nhất năm.
Sử dụng tổ hợp Kính thiên văn Chân trời sự kiện (EHT), các nhà thiên văn học quốc tế hôm 10/4 công bố lần đầu tiên chụp được ảnh hố đen, một trong những bí ẩn lớn nhất của vũ trụ. Vật thể có đường kính ước tính lên tới 40 tỷ km nằm ở trung tâm thiên hà Messier 87, cách Trái Đất 55 triệu năm ánh sáng.
Các nhà nghiên cứu người Pháp tạo ra một mê cung kênh dẫn vi lưu trong nước silicon để mô phỏng mạng lưới lưu thông máu. Hình ảnh được chụp bằng kính hiển vi điện tử quét (SEM) bởi nhà sinh vật học Benoît Charlot từ Đại học Montpellier.
Mỗi chấm nhỏ trong hình tròn sặc sỡ này đại diện cho một trong số 100.000 tế bào của loài khỉ Macaca mulatta. Những tế bào có đặc điểm tương tự tụ lại với nhau và mỗi màu đại diện cho các mô khác nhau như tuyến ức và hạch bạch huyết (màu xanh) hay tủy xương (màu đỏ). Hình ảnh được chụp bởi Viện Ung thư Dana-Farber, Mỹ.
Hình ảnh về một nhóm động vật nguyên sinh đơn bào có tên Trumpet animalcule được chụp bởi nhà nghiên cứu Igor Siwanowicz tại Viện Y khoa Howard Hughes ở Virginia, Mỹ. Tác phẩm đã đoạt giải nhì trong Cuộc thi Nhiếp ảnh Thế giới tí hon năm 2019 do Nikon tổ chức.
Cảnh tượng băng tan ở phía đông Greenland được nhiếp ảnh gia Florian Ledoux ghi lại từ trên không bằng thiết bị bay không người lái. Mức độ tuyết che phủ thấp vào mùa đông, cùng với ảnh hưởng của sóng nhiệt vào mùa xuân và mùa hè khiến dải băng Greenland tan chảy với tốc độ kỷ lục trong năm nay.
Phi hành gia Christina Koch ghi lại khoảnh khắc tàu vũ trụ Soyuz xuyên qua bầu khí quyển Trái Đất, chở đồng nghiệp Jessica Meir lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Vào ngày 18/10, bộ đôi này trở thành đội nữ phi hành gia đầu tiên thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian với nhiệm vụ thay thế thiết bị sạc bị hỏng trên ISS.
Bức ảnh huỳnh quang chụp phôi thai rùa đoạt giải cao nhất trong Cuộc thi Nhiếp ảnh Thế giới tí hon năm 2019 của Nikon. Hai nhà nghiên cứu Teresa Zgoda và Teresa Kugler đã sử dụng kính hiển vi lập thể để chụp hàng nghìn bức ảnh, sau đó tổng hợp chúng lại để tạo nên tác phẩm hoàn chỉnh.
Sóng xung kích phát ra từ hai chiếc máy bay siêu thanh T-38 Talon của Mỹ được nhân viên của NASA chụp với công cụ phơi sáng false-color từ một chiếc phi cơ bay phía trên. Sự thay đổi của áp suất không khí chính là nguyên nhân gây ra nhưng tiếng nổ siêu thanh.
Cấu trúc vi mô giống như “mạng lưới kinh dị” này là chất béo còn sót lại sau khi làm bay hơi một giọt rượu whisky bourbon pha loãng. Bức ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia Stuart J. Williams.
Bức ảnh phơi sáng dài này cho thấy đường đi của tàn tro bắn ra từ một thân cây đang bị thiêu rụi trong vụ cháy rừng lịch sử ở California vào tháng 10. Hiệu ứng hình ảnh biến khung cảnh hủy diệt thành một tác phẩm nghệ thuật mang vẻ đẹp trừu tượng.
20 Th10 2020
19 Th10 2020
24 Th6 2020
26 Th6 2020
12 Th6 2020
19 Th10 2020