Xu hướng phát triển ERP

Năm 2016 với những tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế cùng với việc Việt Nam tham gia nhiều sân chơi quốc tế là một lợi thế lớn để các doanh nghiệp nước nhà có những cú bứt phát lớn. Tuy nhiên cạnh tranh cũng ngày càng trở nên khốc liệt hơn đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những hướng đi đúng đắn. Phần mềm ERP được xem là một trong những chiếc chìa khóa giúp tạo nên thay đổi có tính cách mạng về năng lực quản trị. Nhìn nhận đúng xu hướng phát triển của giải pháp, công nghệ giúp nhà quản trị lựa chọn đúng khi đầu tư xây dựng hệ thống ERP.

Sự hồi phục của nền kinh tế và sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp mới thành lập cũng phản chiếu lên thị trường ERP, nơi khách hàng chủ yếu là doanh nghiệp. Số lượng dự án ERP những năm 2015 – 2016 tăng và tập trung nhiều nhất trong các lĩnh vực ngân hàng, xây dựng – bất động sản…

Các hệ thống thông tin nói chung và ERP nói riêng đang dần phát triển theo xu hướng công nghệ mới thông minh hơn, hiệu quả hơn. Theo xu hướng xã hội, doanh nghiệp có thể kết nối với khách hàng dễ dàng hơn, giúp rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp và khách hàng. Xu hướng di động cho phép doanh nghiệp vận hành hệ thống mọi nơi mọi lúc thông qua thiết bị di động. Còn xu hướng phân tích, doanh nghiệp có thể nâng cao khả năng xử lý thông minh của hệ thống để khai thác hiệu quả hơn khối lượng dữ liệu lớn mà doanh nghiệp có được.

Hiện nay, điện toán đám mây đang dần trở thành mô hình được ưa chuộng khi doanh nghiệp quyết định đầu tư hệ thống thông tin, điện toán đám mây giúp doanh nghiệp giảm bớt sự ràng buộc vào các hệ thống phần cứng, phần mềm, và chỉ trả tiền đúng với mức độ sử dụng.

Trước khi quyết định lựa chọn một giải pháp ERP phù hợp, khách hàng doanh nghiệp nên xem xét kinh nghiệm thực tiễn và khả năng đáp ứng thông qua tư vấn của đối tác triển khai. Hiểu đúng gốc rễ của vấn đề và nhìn được xu hướng phát triển của giải pháp sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra lựa chọn giải pháp đúng đắn nhất.

Các doanh nghiệp ngày càng hướng tới những giải pháp ERP hỗ trợ tốt nhất cho ngành nghề của mình

ERP phát triển theo hướng chuyên môn hóa

Giá trị lớn nhất mà ERP mang đến cho doanh nghiệp là quy trình, kinh nghiệm quản trị và thao tác nghiệp vụ. Không có mô hình ERP chung cho mọi doanh nghiệp. Vì vậy, mỗi hệ thống ERP được xây dựng sẽ dựa vào yếu tố ngành nghề, các điều kiện đặc thù, cơ cấu tổ chức, quy mô và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đặc thù kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp cũng tạo ra sự khác nhau của ERP. Các doanh nghiệp có số lượng khách hàng lớn, ERP cần tích hợp với hệ thống quản trị quan hệ khách hàng (CRM) nhằm giúp cung cấp đầy đủ thông tin khách hàng, vận hành hiệu quả các quy trình nghiệp vụ giao dịch với khách hàng từ marketing đến quản lý bán hàng và dịch vụ hỗ trợ. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng nên trang bị CRM để tăng cường quản lý các dịch vụ công với nhân dân, doanh nghiệp và đối tác. Ngoài CRM, hệ thống thông tin quản trị (Business Intelligence – BI) cũng là một hệ thống lõi mà hầu hết cơ quan quản lý công cần có để tổng hợp thông tin từ nhiều cơ sở, khai thác hiệu quả khối dữ liệu lớn có được, lập báo cáo – phân tích và thực hiện công tác quản lý – điều hành vĩ mô. Với các doanh nghiệp có quy mô lớn dạng mô hình tập đoàn hoặc tổng công ty đa ngành, hệ thống nên phục vụ cho cả hai cấp độ: lớp quản trị tập đoàn và lớp quản trị đặc thù của các đơn vị thành viên.

ERP phát triển theo hướng chuyên ngành

Các doanh nghiệp ngày càng hướng tới những giải pháp ERP hỗ trợ tốt nhất cho ngành nghề của họ. Giá trị lớn nhất mà giải pháp ERP mang đến cho doanh nghiệp là quy trình, kinh nghiệm quản trị và các mối quan hệ trong nghiệp vụ. Ngoài khả năng về công nghệ như năng lực vận hành, tính bảo mật, và khả năng tương tác như đối với hệ thống thông tin nói chung, khả năng về nghiệp vụ là yếu tố bắt buộc phải xem xét khi một doanh nghiệp muốn ứng dụng ERP.

Ngành nghề là yếu tố quan trọng hàng đầu cho việc xây dựng một hệ thống ERP. Quản trị tài chính là cấu phần lõi trong hầu hết các hệ thống ERP. Ví dụ: đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, hệ thống ERP bao gồm quản trị tài chính doanh nghiệp tích hợp với hệ thống nghiệp vụ lõi (core banking, core insurance…). Hay đối với các doanh nghiệp thương mại như bán buôn, bán lẻ, hệ thống ERP phải bao gồm quản trị tài chính, quản trị kho hàng, quản trị mua hàng và bán hàng. Còn các doanh nghiệp sản xuất sẽ cần thêm phân hệ quản trị sản xuất, quản trị chất lượng, và quản trị nhà xưởng – thiết bị…

Với các doanh nghiệp có mô hình tập đoàn hoặc tổng công ty đa ngành, hệ thống ERP tổng thể cho doanh nghiệp bao gồm hai lớp phục vụ hai mức độ quản trị: lớp quản trị tập đoàn và lớp quản trị đặc thù của các đơn vị thành viên. Lớp quản trị tập đoàn gồm những quy trình nghiệp vụ xuyên suốt toàn doanh nghiệp hay hỗ trợ quản trị hợp nhất ở mức độ tập đoàn, ví dụ quản trị tài chính, quản trị nhân sự, và hệ thống báo cáo tổng hợp. Lớp quản trị ở các đơn vị thành viên gồm những quy trình nghiệp vụ phù hợp với từng ngành nghề kinh doanh đặc thù như bán hàng, sản xuất, quản lý dự án, quản lý khách hàng…

Một hệ thống ERP tổng thể có thể bao phủ mọi quy trình nghiệp vụ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, để xây dựng hệ thống như vậy, cần có một lộ trình. Ưu tiên làm ERP với cấu phần nào trước, cấu phần nào sau phụ thuộc vào các điều kiện về thuận lợi, khó khăn và kế hoạch kinh doanh cụ thể của từng doanh nghiệp. Có thể hai doanh nghiệp bán lẻ cùng kinh doanh các mặt hàng giống nhau với quy mô tương tự, song một bên cần ưu tiên quản lý chặt chẽ về tài chính trên toàn chuỗi, bên kia lại đang khó khăn trong việc điều hành trung tâm phân phối. Do vậy lộ trình làm ERP của hai doanh nghiệp này không thể giống nhau.

ERP cho mỗi doanh nghiệp được xây dựng trên điều kiện nghiệp vụ đặc thù của doanh nghiệp đó. Hiệu quả hệ thống ERP mang lại phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của nhà triển khai. Năng lực triển khai ERP bao gồm khả năng tư vấn theo ngành nghề, năng lực công nghệ và năng lực hỗ trợ. Vì thế để chọn được đơn vị triển khai ERP phù hợp cho doanh nghiệp mình thì các doanh nghiệp phải luôn cần cân nhắc thật kỹ.