Cáu giận là một trong những trạng thái tình cảm của con người. Cáu tốt hay xấu? Nguyên nhân? Hậu quả? Làm thế nào để chế ngự những cơn cáu? Tại sao có những dân tộc chưa văn minh nhưng rất văn hoá, không hề biết đến con quỷ cáu giận ẩn náu trong mỗi người bình thường?
Cô ấm ức lắm. Bản quyết toán tháng, đãng trí, cô quên một số liệu (kể ra thì cũng lớn). Sếp đến trước mặt cô, khoan thai đặt xuống bàn, cười khẩy, nhẹ giọng: “Hình như công việc ở đây không thích hợp với cô thì phải”. Ý hắn muốn đuổi mình đây. Hừ, đợi đấy. Tưởng một kế toán “mù” trước những kiểu trốn thuế chắc…
Trên đường về nhà, cô vô ý đụng xe vào một thằng bé. May, nó chỉ xây xước nhẹ. Đến lúc dừng xe, mua thịt mới biết nó đã nẫng gọn chiếc ví, tiền chẳng có bao nhiêu nhưng quan trọng là chứng minh thư, giấy tờ xe máy, lại cái thư của cậu bạn cũ chưa kịp xé nữa thì phải. Báo công an xong, về nhà đã quá muộn. Vậy mà nửa tiếng sau, mới thấy chồng về, mặt đỏ lựng, sặc mùi bia. Cô cố nén, làm quấy quá mấy món ăn chẳng được như mọi ngày. Cơm dọn lên, thằng con chun mũi, gẩy gẩy… trông đã ngứa mắt, lại biết bóng gió như người lớn: “Mẹ ơi, con với bố có phải phạm nhân đâu!”.
Thế là cô “nổ”. Đập chiếc bát xuống mâm. Một cơn cáu giận bất chợt bùng lên như cây xăng bị chập điện, bốc cháy, làm cả nhà và ông hàng xóm ở chung cư sững sờ. Chiếc nồi cao áp bật nắp van, thỏa sức xả hơi.
Tóm tắt cơ chế của cơn cáu là thế này: một chuỗi điều không mong muốn cứ nối tiếp nhau xảy ra, tích lũy dần, lên men và chỉ một nguyên cớ hết sức nhỏ nhặt kích động là đủ để cơn cáu nổi lên, nhấn chìm tất cả. Có lẽ trong đời, một người hiền lành nhất cũng có đôi lần như vậy.
Bản chất sinh lý
Tiếng Hy Lạp gọi cơn cáu giận là “Khole”, từ này cũng có nghĩa là mật. Người ta quan niệm khi mật bị nóng lên thì cơn cáu bùng phát. Việc quy về một sự thay đổi sinh lý của cơ thể không phải là thiếu logic, có điều chưa chứng minh được mà thôi.
Thực ra cơn cáu giận là do hệ thần kinh thực vật bị kích thích, não tiết ra chất adrenalin với nồng độ tích luỹ dần, rồi thể hiện bằng cách giải tỏa bùng phát. Huyết áp tăng, tim đập loạn xạ. Đó là ý kiến của nhà tâm lý học Pháp trong tác phẩm “Les Colères” (Những cơn cáu) của ông. Sự kích thích về sinh lý học do adrenalin tăng lên nuôi cơn cáu đến một mức độ sẽ huy động toàn bộ cơ thể nhằm thực hiện một hành động mạnh mẽ.
Lúc đó, trời cũng chỉ bằng… cái vung thôi. Chiếc bát bị đập xuống mâm đến vỡ làm mấy mảnh là chuyện hết sức bình thường. Nó có thể mạnh mẽ hơn nhiều dẫn đến hậu quả tai hại khi không được kiềm chế. Chẳng nhẽ cáu một mình. Phải có đối tượng để hứng chịu. Nếu đối tượng này cũng đồng thời lên cơn cáu tương tự thì thôi rồi, hai khối thuốc nổ gặp nhau, hậu quả sẽ khôn lường.
Chính sự tiết adrenalin này giúp ta phân biệt cáu “thực sự” với cáu “giả vờ”. Ví dụ trong tình huống của một vụ án: anh chồng bố trí để một gã bờm xơm với vợ mình, rồi vác dao xông vào, cáu ầm ĩ để tống tiền. Anh ta không bắt ép được não sản sinh ra chất này.
Testosteron cũng góp mặt. Bạn cứ thử quan sát mà xem, ông bố bao giờ cũng biểu lộ cơn cáu của mình một cách ầm ĩ. Còn bà mẹ thì thường cáu một cách… nhẹ nhàng hơn. Phải chăng con quỷ nhỏ mang tên “cáu kỉnh” này nhiều nam tính hơn nữ tính? Nhà tâm lý Bruno Fortin bảo: Hình như vậy. Testosteron luôn thường trực ở nam giới góp phần xúi bẩy các cơn cáu nổi loạn.
Sức mạnh thể chất của nam giới làm những cơn cáu dữ dằn hơn. Một đồng minh luôn luôn hỗ trợ đắc lực cho “con quỷ” cáu, đó là rượu. Đã cáu, gặp rượu nữa thì bất chấp tất cả. Bởi vậy, có người với ý đồ thực hiện cơn cáu giận để làm một việc gì đó còn mượn rượu để cáu.
Nhưng chính truyền thống của chế độ phụ hệ đã ăn sâu vào đầu óc cho người đàn ông chút quyền độc đoán và tự do hơn trong sự cáu giận.
Ý nghĩa của những cơn cáu
Theo nhà tâm lý học Bruno Fortin, cơn cáu là phản ứng khi những nhu cầu không được đáp ứng, thỏa mãn. Nó làm cho ta có sức mạnh. Cơn cáu gắn với tình huống một người bị xử sự không phù hợp với những niềm tin và hệ thống giá trị theo quan niệm của mình. Sự đụng chạm đến danh dự hoặc vi phạm sự cân bằng mà ta muốn duy trì thường trở thành ngòi nổ cho cơn cáu. Khi đó, ta cảm thấy bị xúc phạm, bị đe dọa, bị khinh miệt.
Cơn cáu của người phụ nữ nói trên là do cô cảm thấy bị cậu con trai coi thường, ông chồng hờ hững, mặc kệ, không giúp đỡ, tên kẻ cắp khốn kiếp chiếm đoạt của cô những giấy tờ rất cần thiết và lão sếp tỏ thái độ khinh miệt. Cô đã cố gắng nén mọi cảm xúc, riêng mình chịu, bỏ qua tất cả để yên cửa yên nhà. Vậy mà bị đối xử như ôshin vì câu nói của đứa con mà cô cho là đầy xúc phạm. Như một “con giun xéo lắm cũng quằn”.
Cơn cáu cũng có thể xuất hiện như phản ứng trước sự tấn công. Một người đi xe máy bị người khác muốn vượt lên trước đã chèn ngang, làm anh bị đổ xe. Anh quắc mắt, nổi cáu với tay lái ẩu. Đó là cách khẳng định lẽ phải thuộc về mình khi quyền lợi, người đi đúng đường, bị xâm phạm.
Người xưa đã tổng kết, cáu giận là một phần “không thể thiếu của cuộc sống” mà người ta gọi là “thất tình” (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục). Nó có thể có tính tích cực theo khẳng định của Catherine Fourment, chuyên gia tâm lý trẻ em: “Cáu là một phản ứng tự nhiên. Một đứa bé dù chưa có ý thức bị người ta giằng mất bình sữa nó đang bú, lẽ tự nhiên nó nổi cáu để ‘sự tấn công thô bạo’ ấy khỏi tái diễn. Có một tính chất bình thường và tự vệ trong khi cáu”. Cáu có tác dụng đòi lại sự công bằng.
Thế nhưng trong “thất tình” nếu như vui toàn lợi là lợi, thì cáu có hại nhất. Về mặt sức khỏe, nó gây huyết áp cao, đau đầu, đau tim, mất ngủ… và có thể dẫn đến tử vong.
Làm chủ cảm xúc của mình
“Cả giận mất khôn”. Khi nổi cáu, sự khôn ngoan trốn biệt tăm và đưa ta đến những con đường tăm tối. Đọc “Tam Quốc diễn nghĩa”, bạn còn nhớ câu chuyện: Đại đô đốc Đông Ngô là Chu Du thấp cơ thua trí Khổng Minh. Mỗi lần “trúng quả lừa” ông ta đều ghìm cơn cáu đến mức “tức khí nổi lên đầy bụng, ngã nhào xuống ngựa, thổ ra một búng máu tươi”, quân sĩ phải xúm vào cấp cứu. Đến lần thứ ba, thì ngửa mặt lên Trời mà than rằng: “Sinh Du hà sinh Lượng!” (Trời đã sinh Chu Du, sao còn sinh Gia Cát Lượng!) rồi gục chết. Uất ức bị ghìm nén mà không thể hiện được bằng cơn cáu thì hại như thế đấy.
Người ta thường ví nó như con quỷ nhỏ, “nằm vùng” trong mỗi người, chờ dịp để xổng ra. Cho nên, hoặc để nó bùng phát để giải tỏa một căng thẳng (nhưng không bao giờ là cách giải tỏa tốt nhất) hoặc phải có “mẹo” để trấn áp nó.
Nhà tâm lý học Bruno Fortin đề xuất mấy “mẹo” sau đây:
– Đừng coi là quan trọng những cái không quan trọng.
– Hãy tập trung vào điều cần làm để đạt được mục đích của mình.
– Hãy học cách nhận biết những dấu hiệu của cơn cáu khi chúng sắp bùng nổ.
– Hãy chấp nhận những điều không như mong đợi.
– Hãy biết thư giãn, hài hước.
– Cố gắng tối đa để tự điều khiển hành vi của bản thân và đừng tìm cách điều khiển hành vi của người khác.
Cũng có cách điều khiển cơ thể để làm giảm bớt cơn cáu như ngồi thoải mái trên ghế, thở sâu để nhịp tim trở lại bình thường. Nếu bạn từng tập cách thư giãn thì đây là lúc áp dụng hiệu quả nhất.
Có những dân tộc không biết cáu
Cáu không phải một xung năng sống còn như đói, khát, ham muốn… Đó là một trạng thái xúc cảm, để giải toả những dồn nén. Cho nên, ở một số dân tộc, đúng hơn là một số bộ lạc sống giữa thiên nhiên, họ không có trạng thái xúc cảm này. Từ “cáu” không có trong ngôn ngữ của họ. Đối với họ, cáu chỉ là sự ứng xử của trẻ con, đáng xấu hổ.
Đó là những người Abron ở Tân Ghine, người Bochinan ở Nam châu Phi, người Eskimo Utkus, người Lepcha ở Hymalaya. Những dân tộc này ghét các trạng thái tình cảm tương tự cáu giận và cho rằng nó phá hoại sự cố kết của cộng đồng. Lâu dần thành một nét văn hoá của họ: không biết cáu. Họ giải quyết các xung đột bằng sự hài hước. Đúng là một nét văn hoá rất văn minh.
Nguồn: VNExpress
19 Th10 2020
1 Th6 2020
20 Th10 2020
19 Th10 2020
19 Th10 2020
19 Th10 2020