Vì sao DOANH NGHIỆP VIỆT VẪN E DÈ TRIỂN KHAI ERP

Lo ngại hiệu quả thực sự của ERP, e dè với chi phí cao hoặc làm sao để thuyết phục Ban lãnh đạo đầu tư cho ERP là thực trạng chung của không ít doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Thêm nữa, một trong những mối quan tâm các doanh nghiệp vừa và nhỏ là lựa chọn đơn vị tư vấn và triển khai ERP.

ERP (Enterprise Resource Planning) được định nghĩa tổng quát là giải pháp quản trị tổng thể doanh nghiệp. Về hình thức, một giải pháp ERP là tập hợp các phân hệ quản lý toàn bộ công đoạn trong quy trình sản xuất hay kinh doanh của doanh nghiệp gồm: Hoạch định, dự báo, kiểm soát quá trình, vật tư đầu vào, sản phẩm đầu ra, phân phối, kế toán, nhân sự… Đây là dạng sản phẩm đặc biệt kết hợp công nghệ thông tin hiện đại, tân tiến với kinh nghiệm quản lý. Vì thế, việc đầu tư cho một giải pháp ERP không đơn thuần chỉ là mua một phần mềm mà còn chuẩn hóa các quy trình hoạt động của doanh nghiệp bằng công nghệ thông tin.

Có tầm quan trọng như vậy nhưng tại Việt Nam, mức độ quan tâm của doanh nghiệp dành cho ERP chưa nhiều. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, hiện chỉ có 1,1% doanh nghiệp Việt ứng dụng giải pháp ERP. Được xem là công cụ quan trọng và cần thiết để hội nhập nhưng ERP vẫn chưa được hiểu và đánh giá đúng tầm.

Mới đây, tại chương trình tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm triển khai ERP tổ chức tại TP.HCM, không ít đại diện doanh nghiệp bày tỏ hoài nghi về hiệu quả mà ERP mang lại. Một số cho rằng, ERP chưa giải quyết triệt để những vấn đề đặc thù ngành nghề của doanh nghiệp, ví dụ như ngành xây dựng, hoặc tại Việt Nam chưa có tiền lệ triển khai cho ngành Automotive…

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Sơn – GĐ dự án ERP của Công ty Dây cáp điện Thịnh Phát, thẳng thắn, trước khi quyết định lựa chọn đầu tư ERP, cần phải rà soát lại nội tại, làm rõ doanh nghiệp cần gì, thiếu gì. Doanh nghiệp không nên nhầm lẫn giữa giải pháp quản trị với giải pháp tăng trưởng.

“Các doanh nghiệp có thể khác nhau về ngành nghề kinh doanh, thị trường, đối tượng khách hàng, chiến lược marketing. Nhưng về cơ bản, doanh nghiệp đều có sự tương đồng về quy trình. Do đó, ERP có thể giúp doanh nghiệp kiện toàn lại cơ cấu tổ chức, hoàn thiện quy trình tốt hơn. Chúng ta nên hiểu ERP là hệ thống quản lý chứ không đơn thuần là một dự án IT”, ông Sơn nhấn mạnh.

Là người từng “nằm gai nếm mật” với 29 dự án ERP trong và ngoài nước, ông Phan Công – GĐ dự án ERP của Điện máy Thiên Hòa nhìn nhận, dù sớm hay muộn, doanh nghiệp bắt buộc phải làm ERP, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực có liên quan đến kế hoạch, quy trình, bán lẻ… Tuy nhiên, để một dự án ERP thành công, Ban lãnh đạo doanh nghiệp cần phải nhìn nhận ERP dưới góc độ một nhà quản trị chứ không nên mang suy nghĩ của một người làm công nghệ thông tin.

Ông Công cũng cho rằng, tùy theo khả năng tài chính, doanh nghiệp Việt nên chọn đơn vị triển khai uy tín và có kinh nghiệm trong nước thay vì những công ty nước ngoài. Như vậy, hai bên sẽ cùng ngôn ngữ, dễ trao đổi, thấu hiểu và chia sẻ với nhau tốt hơn. Từ đó, giúp dự án đi đến thành công, đáp ứng được nhu cầu của chủ đầu tư.

Thấu hiểu về sự e dè khi triển khai ERP của một số doanh nghiệp Việt, ông Nguyễn Thanh Giang – PTGĐ Công ty Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar), cho rằng, khi bắt đầu một thứ mới mẻ, không ai dám chắc rằng nó sẽ thành công. Nhưng nếu đã quyết tâm làm ERP thì hãy tỉnh táo để lựa chọn một đơn vị triển khai uy tín và dày dặn kinh nghiệm. Nếu doanh nghiệp còn băn khoăn, chưa đủ tự tin thì có thể triển khai ERP ở quy mô nhỏ.

Từ Cần Thơ lên TP.HCM tham dự buổi tọa đàm, ông Lưu Phước Hậu – Phó TGĐ Công ty Cổ phần Vật tư và Thuốc thú y (Vemedim) mang đến câu chuyện về quyết tâm ứng dụng ERP khiến nhiều người trầm trồ. Với chất giọng và phong thái đậm chất miền Tây sông nước, ông Hậu bộc bạch, Vemedim hiện có 3 công ty con hoạt động trong lĩnh vực thuốc thú y, bao bì và chăn nuôi. Các sản phẩm của Vemedim được bán rộng rãi trên toàn quốc và xuất khẩu đi 30 nước. Cũng chính từ thực tế quy mô hoạt động đó đã đặt Vemedim phải nghĩ đến việc ứng dụng một phần mềm quản trị tổng thể nhằm giúp giảm thiểu rủi ro xảy ra. Hiện FPT IS đã vận hành SAP ERP giai đoạn 2 cho Vemedim, đặc biệt là phần BI – Báo cáo phục vụ lãnh đạo đang hoạt động rất hiệu quả, giúp Ban lãnh đạo nắm bắt tức thời các vấn đề của từng đơn vị để từ đó có những chỉ đạo kịp thời và chính xác.

Chia sẻ về việc thuyết phục lãnh đạo doanh nghiệp quyết tâm ứng dụng ERP vào công tác quản trị, ông Nguyễn Thanh Đạm – CIO Tập đoàn Trung Nguyên cho biết cần phải đưa ra những thông tin/ số liệu dẫn chứng của các công ty nghiên cứu thị trường (như Gartner, IDC…) để lãnh đạo hiểu tầm quan trọng của ERP đối với sự phát triển của công ty, “Việc lựa chọn đơn vị tư vấn triển khai SAP ERP cũng rất quan trọng. Nhưng quan điểm của tôi là càng thân càng tốt. Tôi còn nhớ thời điểm diễn ra World Cup, hệ thống của Trung Nguyên “lăn ra chết” lúc 4 giờ sáng. Đội ngũ kỹ thuật đã làm mọi cách nhưng không thể khắc phục được. Trong khi 8h hôm sau toàn bộ các hoạt động kinh doanh đã bắt đầu trở lại. Nếu hệ thống không hoạt động đồng nghĩa với việc công ty không thể kinh doanh.

Theo ông Phạm Thế Trường, TGĐ SAP Việt Nam, thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng và các doanh nghiệp trong nước đang ý thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của hệ thống quản trị ERP. Ông Trường dự báo, số lượng doanh nghiệp ứng dụng ERP sẽ tăng gấp đôi vào năm 2017 và gấp 3 lần vào năm 2020. Sắp tới, đơn vị này cũng sẽ đưa SAP ERP trên nền tảng Cloud vào Việt Nam.

.