Cùng tìm hiểu phân tích giải pháp phần mềm quản lý nhân ERP ở Việt Nam đã đem lại những lợi ích hay hiệu quả chưa.
Hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP được coi là công cụ hiệu quả giúp các nhà lãnh đạo trong việc quản lý các nguồn lực khác nhau. ERP cũng được kỳ vọng là công cụ giúp các tổ chức, doanh nghiệp hội nhập với tiêu chuẩn quản lý quốc tế.
Nhưng hiện tại, số doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực này mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực tế này cho thấy, các doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà với công cụ được coi là sẽ giúp họ phản ứng nhanh với những biến động của thị trường. Hay có vẻ như sức ép để buộc phải có một quy trình quản lý chuẩn chưa đủ lớn, và những gì ERP thể hiện tại Việt Nam chưa đủ để thuyết phục các doanh nghiệp.
Phần mềm quản lý doanh nghiệp ERP ở Việt Nam có những vướng mắc gì
- Đầu tư ERP: Đếm trên đầu ngón tay
Được biết đến với những sản phẩm thép chống gỉ và sản phẩm năng lượng sạch, ngoài trụ sở chính tại Hà Nội, Sơn Hà còn có hệ thống phân phối rộng khắp toàn quốc. Để phục vụ cho việc quản lý các hoạt động sản xuất kinh doanh, từ tháng 4/2006 Sơn Hà đã chính thức triển khai hệ thống ERP. Đến nay, hệ thống này đã vận hành một cách hoàn chỉnh đối với các phân hệ mua hàng, bán hàng, kho hàng, tài chính kế toán và sản xuất.
Ông Đào Quang Hùng, Phó TGĐ Sơn Hà cho biết: ” Sơn Hà lựa chọn triển khai hệ thống ERP và nó đã thể hiện được tính ưu việt trong việc quản lý nguồn lực của doanh nghiệp. Công ty đã tìm hiểu kinh nghiệm của các doanh nghiệp đi trước để áp dụng vào mô hình của mình khi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cũng ngày càng được mở rộng và đảm bảo được hiệu quả cho quản lý sản xuất kinh doanh. Nó sẽ quản lý tập trung được các cái nguồn lực của doanh nghiệp cả về con người, về thông tin, về tác nghiệp”.
Một doanh nghiệp khác cũng được biết đến với hệ thống ERP khá đồ sộ là Prime Group. Bắt đầu triển khai từ tháng 9/2006 và ứng dụng từ quý I/2007, ERP đã giúp Prime Group quản lý 29 công ty thành viên với hơn 4000 nhân viên: ” Với Quy mô hơn 20 công ty thuộc địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, TT Huế và Quảng Nam, chúng tôi quyết định triển khai ERP. Điều quan trọng nhất là thông qua báo cáo quản trị ERP chúng tôi có cái chỉ đạo uốn nắn kịp thời, nắm bắt được những gì chưa được để có các giải pháp ra quyết định tạm thời nâng qua hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Nghĩa – Phó Chủ tịch HĐQT – Phó TGĐ Prime Group phát biểu.
Thực tế tại Việt Nam, những doanh nghiệp có đầu tư hệ thống ERP như tại Sơn Hà hay Prime Group chỉ là số ít. Thậm chí, một tên tuổi khá lớn trong lĩnh vực tư vấn triển khai ERP cũng mới chỉ có hơn 40 khách hàng trong số hàng trăm nghìn doanh nghiệp. Một tỷ lệ cực kỳ khiêm tốn. Ông Rainer Newmann, Tổng Giám đốc liên doanh Segmenta – CMC cho rằng: ” Khái niệm ERP hiện tại ở thị trường VN còn rất mới. Hiện tại các doanh nghiệp VN hoặc có hệ thống ERP rất cũ, hoặc các doanh nghiệp chưa có hệ thống ERP. Nhận thức về ERP cũng như trình độ sử dụng các giải pháp ERP tại VN cũng còn rất nhiều vấn đề phải bàn đến”.
Hướng giải quyết phần mềm ERP tại Việt Nam.
- Vướng ở đâu?
Khi đặt ra câu hỏi này, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến của các chuyên gia CNTT.
Ông Lâm Quang Nam – Giám đốc Ban Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VINASA: ” Nguyên nhân vì GDP VN quá thấp. Khi ứng dụng ERP, công ty đó phải đủ trưởng thành, và phải đủ tiến hoá, tức là không những phải có tiền mà cái nhu cầu quản lý phải tiến lên một bậc mới người ta mới có nhu cầu ứng dụng ERP. Còn nếu chưa đủ trình độ, chưa đủ tiến hoá thì người ta sẽ không đầu tư ERP và người ta cũng không có nhu cầu tìm hiểu ERP”.
Ông Mai Công Nguyên, Giám đốc Trung tâm giải pháp ERP – FPT: ” Xét về quy mô, doanh nghiệp VN chủ yếu vừa và nhỏ, theo thống kê thì đến 95 – 98%. Thứ hai ERP là cách thức để xây dựng nền tảng, đa số các doanh nghiệp VN hoặc là vừa và nhỏ, hoặc là đang phát triển, họ chịu sức ép doanh số lợi nhuận lớn hơn sức ép xây dựng nền tảng, chưa kể các doanh nghiệp VN muốn làm ERP thì tiềm lực về kinh tế đặc biệt tiềm lực về nguồn nhân lực chưa đủ mạnh để có thể ứng dụng ERP thành công”.
Ông Nguyễn Long, TTK Hội Tin học VN: ” Nếu dùng sản phẩm của nước ngoài thì giá thành quá cao, dùng sản phẩm của VN thì chưa hoàn chỉnh. Thêm nữa, doanh nghiệp chưa nhận thức được hiệu quả cho kinh doanh của mình khi ứng dụng các hệ thống quản trị doanh nghiệp đặc biệt quản trị nguồn lực như ERP”.
Ông Đào Quang Hùng, Phó TGĐ Sơn Hà: ” Nhu cầu ứng dụng ERP tại VN hiện nay khá lớn nhưng cũng có rào cản liên quan đến ứng dụng một công nghệ mới thì mọi người cũng sẽ dè dặt”.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐQT – Phó TGĐ Prime Group: ” Còn một nguyên nhân nữa là những nhà triển khai ERP tại VN hiện nay chưa nhiều, và năng lực triển khai nó cũng chưa đáp ứng mong đợi của các doanh nghiệp”.
- Đầu tư cho ERP: Đã đến lúc?
Ứng dụng ERP đã gần như là chuyện đương nhiên trong hệ thống doanh nghiệp không chỉ tại các nước phát triển. Khi quy mô ngày càng mở rộng; khi thị trường không chỉ giới hạn trong biên giới quốc gia, khi các biến động tài chính ngày một phức tạp đòi hỏi phải nhanh chóng ra quyết định thì hoạt động của mỗi doanh nghiệp sẽ chỉ thực sự có hiệu quả khi có giải pháp quản trị phù hợp và xứng tầm.
Ông Rainer Newmann, Tổng Giám đốc liên doanh Segmenta – CMC: ” Bản thân ERP là quy hoạch tài nguyên doanh nghiệp. Hiện tại, các doanh nghiệp có tài nguyên cũng như năng lực rất hạn chế và họ cần phối hợp tài nguyên và năng lực này theo một cách thức tốt nhất để làm được điều đó họ cần giải pháp hay phần mềm để tích hợp toàn bộ tài nguyên cho doanh nghiệp giúp họ hoạt động một cách hiệu quả hơn, và đó là lý do tại sao các doanh nghiệp nên sử dụng giải pháp ERP“.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa – Phó Chủ tịch HĐQT – Phó TGĐ Prime Group thì cho rằng: ” Cái mà các doanh nghiệp đang quan tâm là việc hỗ trợ ra quyết định. Những thông tin mà lãnh đạo doanh nghiệp có được phần lớn là những thông tin mang tính chất thống kê. Khi lãnh đạo có thông tin thì sự việc đã xảy ra rồi, nên hành động của doanh nghiệp thời điểm đấy đôi khi khó thích nghi với thay đổi của thị trường. ERP cung cấp một hệ thống thông tin thực, chính xác , kịp thời cho người cần, đấy là hỗ trợ rất mạnh mẽ cho lãnh đạo các doanh nghiệp”.
Sự chênh lệch trình độ quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam so với quốc tế là một thực tế, và để hội nhập tốt hơn, nhanh hơn, an toàn hơn, có lẽ đã đến lúc các doanh nghiệp không nên chỉ nghiên cứu ERP với tính chất thăm dò. Và thêm nữa, khi nhu cầu tăng lên thì VN mới có thể trở thành thị trường tiềm năng và hấp dẫn được các nhà cung cấp hàng đầu thế giới. Chỉ có vậy các doanh nghiệp VN mới được tiếp cận các thông tin về ERP thực sự tốt.
Trong khi ứng dụng hệ thống quản trị tổng thể như một lẽ tất nhiên trong hệ thống doanh nghiệp của nhiều nước thì tại VN còn rất nhiều rào cản đối với việc phát triển ứng dụng này. Thế nhưng cũng phải thấy rằng, bây giờ không còn là lúc bàn về vấn đề nên hay không nên ứng dụng ERP. Để nâng cao giá trị và hình ảnh của mình, bài toán cho các doanh nghiệp Việt Nam bây giờ là làm sao “cân đo” giữa lợi ích của việc xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp hiệu quả và chi phí đầu tư cho việc này.
26 Th9 2020
1 Th10 2020
21 Th9 2020
2 Th10 2020
28 Th9 2020
1 Th10 2020