Bài 21: Tối ưu chuẩn SEO bài viết (on-page SEO) trong WordPress

Ở phần trên, bạn đã biết cách cài đặt và cấu hình Yoast SEO tổng quát cho website. Bây giờ mình sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng Yoast SEO trong bài viết.

Khi sử dụng Yoast SEO để viết bài, ngoài việc tạo một bài viết có nội dung chất lượng cho NGƯỜI THẬT xem, thì bạn cần phải quan tâm và chỉnh bài viết để BOT của công cụ tìm kiếm xem nữa. Khi BOT đánh giá cao bài viết của bạn, thì đồng nghĩa với việc cơ hội thăng hạn hiển thị trên kết quả tìm kiếm cũng nhiều hơn.

Ví dụ: Hai bài viết hoàn toàn giống nhau về nội dung và hình thức, nhưng một bài được tinh chỉnh theo chuẩn của Yoast sẽ có thứ hạng cao hơn trên kết quả tìm kiếm.

Các tiêu chuẩn viết bài này đã được Yoast SEO xây dựng sẵn, bạn viết theo khung đó là sẽ giải quyết được vấn đề tối ưu SEO ở góc độ kỹ thuật. Phần còn lại nằm ở chất lượng nội dung, văn phong của bạn có hay, lôi cuốn người đọc hay không,…

Bài viết được đánh giá điểm SEO mức cao nhất với cả 2 tiêu chí là SEO Analysis (nội dung) và Readability (trải nghiệm đọc).

Hầu hết việc tối ưu hóa của bạn sẽ được thực hiện thông qua Yoast SEO Meta Box mà bạn có thể tìm thấy ở cuối mỗi bài viết.

1. Tối ưu SEO Analysis

1.1. Tối ưu hóa từ khóa

1.1.1. Cụm từ khóa chính

Cụm từ khóa chính là cụm từ mà bạn muốn bài viết hoặc trang được xếp hạng trên công cụ tìm kiếm, cụ thể đó la Google.

Bạn đặt từ khóa cho bài viết sao cho nó phản ánh đúng nhất, ngắn gọn nhất toàn nội dung của bài viết hoặc phần nội dung chính mà bạn muốn.

Độ dài của từ khóa chính được đề xuất là 4 từ, tuy nhiên bạn cũng có thể đặt 5 hay 6 từ nếu cần thiết. Vì không phải lúc nào từ khóa bạn cần nó cũng ngắn dưới 4 từ.

1.1.2. Từ khóa liên quan

Nếu bạn muốn sử dụng từ khóa được tìm kiếm nhiều nhưng chưa biết nên dùng từ nào. Thật may, Yoast SEO có tích hợp công cụ tìm từ khóa liên quan của Semrush. Để tìm từ khóa liên quan, bạn nhấn vào nút “Nhận các cụm từ khóa liên quan”.

Trong trường hợp bạn đã có tài khoản tại Semrush rồi thì nhấn vào Log In để đăng nhập – kết nối Yoast SEO với Semrush. Còn nếu bạn chưa có tài khoản tại đây thì có thể nhấn vào đăng ký tài khoản Semrush (miễn phí). Hoặc đăng ký trực tiếp ngay trong cửa sổ mà nó mở ra. Nhớ nhấp vào liên kết “Sign Up” ở cuối cửa sổ và điền Email và Password cần đăng ký.

Sau khi đăng ký và kích hoạt tài khoản thành công (vào mail để kích hoạt) thì bạn đăng nhập để kết nối Yoast SEO và Semrush nhé !

Lúc này sau khi điền thử một từ khóa vào mục “ Cụm từ khóa chính”  thì nhấn vào nút “Nhận các cụm từ khóa liên quan” để nó hiện ra danh sách các từ khóa liên quan. Sau đó chọn quốc gia mà bạn muốn xem lưu lượng tìm kiếm. Ví dụ như bên dưới, từ khóa của mình là “ tiểu sử Ngô Tất Tố” , quốc gia là Vietnam.

Căn cứ vào thông tin lưu lượng tìm kiếm (tương đối) thì bạn sẽ chọn một từ khóa mà người dùng tìm nhiều. Nhờ đó bài viết của bạn được SEO thành công thì nó tiếp cận được nhiều hơn. Còn nếu bạn không nghiên cứu từ khóa hoặc sử dụng từ khóa ít người tìm thì có SEO thành công thì cũng không có nhiều giá trị.

1.2. Tùy chỉnh bản Google xem trước

Bản xem trước đoạn trích cho phép bạn xem bài viết của mình trông như thế nào khi được hiển thị trong kết quả tìm kiếm của Google.

Bạn có thể thấy nó trông như thế nào trên cả thiết bị di động và trên máy tính. Bạn chỉ việc Click vào tùy chọn “ Kết quả trên di động”, hoặc “ Kết quả trên máy tính” để xem trước.

Tối ưu hóa đoạn trích của bạn là điều cần thiết cho SEO. Nếu bạn có đoạn trích phong phú, hấp dẫn, thì sẽ có nhiều người nhấp qua trang web của bạn.

Đoạn trích gồm 3 yếu tố :

  • Tiêu đề SEO : còn được gọi là tiêu đề trang, là đoặn văn bản có cỡ chữ lớn màu xanh lam. Như ở đây mình có tiêu đề là : “ Ngô Tất Tố: Cây bút một lòng tận trung với đất nước nhân dân”. Nhấn vào nút “Insert variable” bên phải để chọn thành phần cho mẫu tiêu đề mặc định. Có thể 1 hoặc nhiều thành phần như: Tiêu đề, Trang, Dấu phân cách, Tiêu đề website.Có nhiều biến để kết hợp vào tiêu đề SEO của bạn dựa trên cài đặt bài đăng của bạn. Bạn nên sử dụng từ khóa chính vào tiêu đề SEO, và chú ý tiêu đề nên để dưới 70 ký tự.
  • Đường dẫn : một phần của URL mô tả nội dung trang của bạn. Điều quan trọng là làm cho đường dẫn của bạn thân thiện với người dùng. Luôn sử dụng các từ mô tả và kết hợp cụm từ khóa chính của bạn để các công cụ tìm kiếm và khách truy cập có thể hiểu nội dung của bạn một cách dễ dàng.
  • Thẻ mô tả : Thông tin bạn điền trong thẻ mô tả nó sẽ hiển thị ở đoạn trích của bài viết trên kết quả tìm kiếm. Nội dung trong thẻ này nó cần phải chứa từ khóa chính của bài viết và độ dài tầm 120 đến 130 ký tự. Đoạn mô tả này bạn có thể soạn nội dung tùy chỉnh hoặc sử dụng lại một phần nội dung trong đoạn mở đầu của bài viết.

Yoast SEO sẽ hiển thị một thanh màu đỏ, vàng hoặc xanh lá cây làm chỉ báo của từng phần. Màu xanh lá cây có nghĩa là đoạn trích của bạn tốt để tiếp tục, trong khi màu đỏ và vàng cho thấy rằng cần phải cải thiện thêm.

1.3. Phân tích SEO

Để xem các đánh giá chi tiết về SEO Analysis thì bạn cuộn trang xuống và nhấn vào vị trí khoanh đỏ như hình bên dưới:

Dưới đây mình sẽ chú giải lần lượt các tiêu chí đánh giá của SEO Analysis để bạn hiểu và thực hành đối với bài viết của bạn.

  • Các đường dẫn ra ngoài trang: Liên kết trỏ ra ngoài, bạn nên có ít nhất một link trỏ ra bên ngoài website. Tiêu chí này cũng không bắt buộc phải thực hiện, có thì tốt hơn.
  • Images: Bài viết có sử dụng hình ảnh không.
  • Các đường dẫn nội bộ: Liên kết nội bộ, tức là liên kết trỏ về một trang/ bài viết nào đó trên chính website của bạn. Bạn nên trỏ tầm 2 link là tốt, không cần nhiều.
  • Cụm từ khóa trong phần giới thiệu: Từ khóa chính của bài viết có nằm trong đoạn giới thiệu (mở bài) hay không. Bạn nên đưa từ khóa chính vào phần mở bài và chỉ để nó xuất hiện một lần duy nhất, nhiều hơn sẽ bị đánh giá là SPAM.
  • Độ dài cụm từ khóa: độ dài tối ưu cho cụm từ khóa là từ 4 đến 6 từ.
  • Mật độ cụm từ khóa: Mức độ lặp lại của từ khóa, bạn nên cho nó lặp lại từ 2 lần trở lên. Lặp lại khoảng từ 2 đến 5 lần, tùy theo độ dài của bài viết. Không để nó lặp lại quá nhiều sẽ bị đánh giá là SPAM.
  • Từ khóa đã sử dụng: Từ khóa này bạn đã dùng trước đây hay chưa. Yoast SEO khuyến nghị bạn là mỗi từ khóa chỉ dùng một lần (tức mỗi từ khóa chỉ xuất hiện một bài viết duy nhất).
  • Từ khóa trong slug: Từ khóa chính có xuất hiện trong đường dẫn (link) của bài viết hay không.
  • Cụm từ khóa trong tiêu đề phụ : Từ khóa có nằm trong tiêu đề phụ hay không (tiêu đề phụ là các thẻ H2, H3,..).
  • Text length: Độ dài của bài viết, có những dạng nội dung bạn viết dài thì sẽ THỪA, mông lung. Ngược lại có những dạng nội dung, nếu bạn viết ngắn thì sẽ không đủ chi tiết. Do đó, tùy loại nội dung mà bạn sẽ viết dài hoặc ngắn. Mình khuyến nghị bài viết ngắn thì nên từ 350 từ trở lên và bài viết dài thì từ 1.500 từ trở lên.
  • Từ khóa trong tiêu đề : Từ khóa chính có nằm trong tiêu đề bài viết hay không. Đây là điều mà chắc chắn bạn phải đáp ứng rồi.
  • Độ rộng của tiêu đề SEO: Độ dài tiêu đề có đảm bảo không, tức là không quá dài, không quá ngắn. Nên nằm trong khoảng từ 50 đến 60 ký tự.
  • Image Keyphrase: Yoast SEO khuyến nghị bạn đặt từ khóa chính trong thẻ Alt của hình ảnh. Ví dụ bạn có 10 hình ảnh thì cố gắng đặt khoảng 2 đến 3 hình có chứa từ khóa trong thẻ Alt của nó.
  • Độ dài mô tả Meta: Độ dài đoạn mô tả có đảm bảo hay không, nên dài khoảng 120 – 130 ký tự là được. Khi đủ độ dài thì thanh chỉ báo sẽ báo màu xanh.

Yoast cung cấp cho bạn các chấm màu chỉ báo cho từng phần. Chấm màu xanh lá cây cho biết kết quả tốt; màu cam dành cho những phần bạn có thể cải thiện để làm cho nội dung của bạn tốt hơn nữa. Và các chấm đỏ chỉ ra các vấn đề với nội dung của bạn cần được giải quyết ngay lập tức.

1.4. Nội dung quan trọng

Tiêu chí này rất dễ hình dung. Nếu bạn cảm thấy bài viết đó là hay, chất lượng nổi bật so với các bài viết khác trong website của bạn thì bạn đánh dấu nó là Nội dung quan trọng như hình bên dưới.

Khi đó bài viết này sẽ tự nhiên được “ưu ái” và “quan tâm” nhiều hơn từ công cụ tìm kiếm. Và tất nhiên là nó cũng dễ lên TOP hơn.

1.5. Nâng cao

Trong phần Nâng cao, bạn có thêm một tùy chọn về bật/ tắt việc thu thập dữ liệu bài viết. Tức là nếu như bạn không muốn bài viết này hiển thị trên kết quả tìm kiếm thì chọn “Không”  trong mục “Cho phép máy tìm kiếm hiển thị Bài viết này trong kết quả tìm kiếm?” như hình bên dưới.

Việc tắt thu thập dữ liệu (loại bỏ bài viết ra khỏi sơ đồ trang web) chỉ áp dụng khi bạn thấy cần thiết. Nếu không thì cứ để mặc định, không cần để ý đến phần này.

2. Tính dễ đọc

Bạn nhấn vào tab “Tính dễ đọc”   ở khung khoanh đỏ như hình bên dưới. Khi đó các tiêu chí đánh giá về trải nghiệm đọc sẽ hiển thị.

Sau đây mình sẽ chú giải các tiêu chí của “Tính dễ đọc” để bạn hiểu và vận dụng trong trình bày bài viết.

  • Sentence length: Độ dài của đoạn văn, nếu độ dài đoạn văn không đạt nó sẽ cảnh báo cho bạn biết. Mỗi đoạn văn chỉ nên dài từ 3 đến 5 dòng.
  • Subheading distribution : Sẽ kiểm tra bài viết của bạn có tiêu đề phụ hay không (các thẻ H2, H3,..). Yoast khuyến cáo, nếu bài viết dài hơn 300 từ thì nó cần có tiêu đề phụ.
  • Độ dài đoạn văn: Độ dài của đoạn văn, nếu độ dài đoạn văn không đạt nó sẽ cảnh báo cho bạn biết. Mỗi đoạn văn chỉ nên dài từ 3 đến 5 dòng.

Yoast cung cấp cho bạn các chấm màu chỉ báo cho từng phần. Chấm màu xanh lá cây cho biết kết quả tốt; màu cam dành cho những phần bạn có thể cải thiện để làm cho nội dung của bạn tốt hơn nữa. Và các chấm đỏ chỉ ra các vấn đề với nội dung của bạn cần được giải quyết ngay lập tức.

3. Mạng xã hội

Bạn nhấn vào tab “Mạng xã hội”, phần này giúp bạn thiết lập tiêu đề, mô tả và ảnh đại diện khi chia sẻ bài viết trên Facebook hay Twitter. Vì mỗi mạng xã hội có những chuẩn riêng nên ở đây bạn có thể tối ưu bài viết cho từng mạng xã hội khác nhau.